Tăng lương tối thiểu 7,3%: Doanh nghiệp và người lao động nói gì?

(Kinhdoanhnet) - Sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mức tăng này.

Ngày 2/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo đó điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017 tăng 7,3%.

Cụ thể Vùng 1 tăng 250.000 đồng bằng 7.1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng bằng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng bằng 7,4% và Vùng 4 tăng 180.000 đồng bằng 7,9%.

Tính bình quân chung 4 vùng tăng 213.000 đồng bằng 7,3% so với năm 2016. Mức tăng dao động từ 180.000 - 250.000 đồng.

Tăng lương tối thiểu 7,3%: Doanh nghiệp và người lao động nói gì? - Ảnh 1
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%. Ảnh minh họa

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định này.

Ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết chưa hài lòng với mức tăng này.

Theo ông Chính, trước đó Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 là 11,11%. Đề nghị này dựa trên thực tế cuộc sống của người lao động.

Tuy nhiên tại phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy, chỉ số tăng trưởng GDP đến cuối năm 2016 là 6,3%, chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 5% thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp, vì vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 10%, giảm hơn 1% so với đề xuất ban đầu. 

“Vì thế trong quá trình thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt mức tăng 7,3% là sức ép lớn với người lao động còn nhiều khó khăn. Thực lòng chúng tôi muốn mức tăng thấp nhất cũng phải là 8,5%” - ông Chính bày tỏ.

Trao đổi với VOV, ông Chính chia sẻ: "Ở góc độ bảo vệ người lao động, chúng tôi thấy công nhân quá khổ, bởi hơn 75,5% công nhân muốn tăng ca bởi tiền lương thu nhập quá thấp họ không đủ sống. 

Ngoài ra qua khảo sát cũng có đến hơn 14% công nhân nói họ không đủ sống; khoảng 35% công nhân nói đủ sống nhưng phải chịu kham khổ; còn trên 35% tạm đủ sống và chỉ có trên 14% là có tích lũy chút ít”.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, đây có thể là một gánh nặng. Ghi nhận của VTV tại một doanh nghiệp dệt may hiện đang trả lương cho công nhân từ 6,5 triệu đồng trở lên.Trong khi đó, mức lương tối thiểu nếu được điều chỉnh tăng 7,3%, chỉ vào khoảng 3,5 triệu đồng. Theo đại diện doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu không làm tăng thu nhập thực tế của người lao động, trong khi doanh nghiệp lại phải chịu thêm gần 10% chi phí bảo hiểm xã hội so với năm nay.

Với đơn hàng ít, giá lại giảm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đề xuất không tăng lương tối thiểu.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp có chi phí trả lương và các khoản bảo hiểm đang chiếm hơn 30% tổng chi phí, cho biết năm nay, giá bán sản phẩm không đổi trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng. Do vậy doanh nghiệp này đã khuyến nghị mức tăng lương tối thiểu cần điều chỉnh phù hợp với khả năng của doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp, với mức tăng này, doanh nghiệp cũng cần có sự phấn đấu để nâng cao hơn nữa, đáp ứng được khả năng cạnh tranh của mình. Đây là việc làm vô cùng khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, cạnh tranh doanh nghiệp là yếu tố sống còn trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện chỉ số tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Mai Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục