“Sữa học đường”- Sao ngành Giáo dục phải gồng mình lãnh thêm công việc của gia đình và ngành Y tế?

TP Hà Nội đang triển khai đề án sữa học đường với mục tiêu 90% trẻ mẫu giáo sẽ được thụ hưởng chương trình này nhằm nâng cao tầm vóc và trí tuệ. Dự kiến ngân sách sẽ chi hỗ trợ cho chương trình này 1200 tỉ đồng, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 30%, tức khoảng 800 tỉ đồng, phần còn lại do cha mẹ học sinh đóng góp.

“Sữa học đường”- Sao ngành Giáo dục phải gồng mình lãnh thêm công việc của gia đình và ngành Y tế? - Ảnh 1
“Sữa học đường” phù hợp với tất cả học sinh? (Ảnh minh hoạ nguồn Internet)

Sữa để em thơ, lụa tặng già”, mới nghe thì chương trình này quả là ước mơ lãng mạn cho một xã hội phồn vinh, văn minh. Nhưng nhìn lại thật cẩn trọng và hiện thực hơn có rất nhiều câu hỏi về thực chất, hiệu quả chương trình này cần làm rõ: Sữa học đường là sữa gì? Thành phần như thế nào? Liệu có thể có một loại sữa học đường phù hơp cho tất cả học sinh? Trong khi ngành Giáo dục đang quá tải về chương trình, thi cử thì sao lại gồng mình lãnh thêm công việc của gia đình và ngành Y tế?

Nhiều câu hỏi về tính khả thi

Đề án “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa…

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Về lý thuyết, đề án đã đưa ra mục tiêu thật lý tưởng với những chỉ số triển vọng đẹp để cho xã hội nhân ái và phồn vinh. “Sữa để em thơ, lụa tặng già” từng là ước mơ trong thơ Tố Hữu về cuộc sống lý tưởng trong thời bao cấp.

Tuy nhiên từ góc nhìn người dân, cha mẹ học sinh của Hà Nội chắc chắn phải tiêu tốn thêm ít nhất 2000 tỉ đồng cho chương trình này, mà chưa biết được kết quả thật sự về dinh dưỡng có đạt được như mong muốn hay không. Thật sự có một loại thực phẩm mang tên Sữa học đường phù hợp với tất cả học sinh hay không?

Ngày 25/9, báo cáo tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã giới thiệu những lời có cánh: Sữa trong chương trình Sữa học đường khác so với những sữa tươi đang bán trên thị trường, được dán tem riêng, không bán ngoài thị trường. Sữa này được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ, lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường.

Thầy Phạm Xuân Tiến, rất tự tin quảng bá cho loại sữa học đường này như một chuyên gia dinh dưỡng ngoại hạng. “Cũng có nhiều phụ huynh gia đình có điều kiện cho con họ uống sữa ngoại. Con các vị có thể uống sữa Mỹ, sữa Úc nhưng chưa chắc đã có thành phần dinh dưỡng mà người Việt Nam cần. Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết… Vì sữa này có bổ sung thêm các chất cần thiết cho trẻ Việt Nam như canxi, sắt, vitamin D…”.

“Sữa học đường” phù hợp với tất cả học sinh?

Trước đó ngày 14/9 ông Tiến cũng có cuộc trao đổi với báo chí và cũng khẳng định: Sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: Sắt, can xi, Vitamin A, Vitamin D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Trong thực tế và theo các quy định hiện nay, chỉ có quy định chủng loại sữa theo tính chất vật lý như sữa bột, sữa nước, sữa đặc hay hóa sinh sữa tươi, sữa tươi tiệt trùng. Với các sản phẩm thương mại chỉ có sữa cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai chứ chưa từng thấy loại sữa nào dành cho đối tượng cùng nghề nghiệp hay cùng môi trường như sữa học đường hay sữa nhà máy, sữa đồng ruộng.

Ngay các đại gia như Abbott, chuyên sản xuất sữa đặc biệt cho từng giới thành sản phẩm thực phẩm chức năng cũng chỉ có sữa cho người tiểu đường, sữa cho người loãng xương, kể cả sữa cho người bệnh ung thư chứ chưa hề có sữa cho học trò, sữa học đường. Học đường là môi trường khổng lồ, thị phần rất lớn, lẽ nào đại gia sữa trên thế giới lại bỏ qua không nghiên cứu sản xuất để dành riêng cho ngành giáo dục như giáo dục Hà Nội?

Vấn đề hết sức thực tế nữa là khẩu vị. Con người, nhất là trẻ em khác với động cơ cơ khí hay điện, chỉ cần cho nguồn năng lượng từ xăng dầu hoặc điện nó sẽ tiếp nhận và vận hành theo sự điều khiển. Nhưng con người có khẩu vị. Dù sữa có bổ dưỡng đến mấy, có ngon đến mấy nhưng nếu buộc phải uống sữa 6 ngày trong tuần, 24 ngày trong tháng và năm này qua năm khác thì trẻ có đủ độ bền để tiếp nhận không? Mỗi trẻ em đều đã được tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ bữa ăn gia đình liệu thêm một phần sữa cố định trong nhà trường có phải là công thức cần thiết và hữu hiệu hay không?

Theo định hướng của chương trình thì nhà trường sẽ có kho tiếp nhận sữa hàng ngày và giáo viên sẽ nhận sữa hàng ngày, cấp phát cho học sinh của lớp. Khối lượng công việc này không nhỏ, tiêu tốn không ít thời gian sức lực và hoàn toàn nằm ngoài chức trách dạy học đối với giáo viên tiểu học. Liệu trong điều kiện việc học đang quá tải ai cũng kêu than, buộc thêm cho giáo viên gánh nặng này chắc hẳn sẽ tăng thêm sự quá tải, đồng nghĩa với sự bào mòn chất lượng giáo dục.

Chưa định hình và chưa có nghiên cứu lâm sàng nào về sữa học đường. Việc tổ chức thực hiện sẽ gây nhiều rắc rối. Hơn thế nữa, trách nhiệm về dinh dưỡng và thể lực thiếu niên là trách nhiệm khá xa với ngành giáo dục. Đề án Sữa học đường sẽ thực hiện tốt hơn nếu chuyển giao cho gia đình học sinh hoặc một đoàn thể tự nguyện nào khác hỗ trợ. Ngành Giáo dục quá nhiệt tình lao vào đề án nghìn tỉ này sẽ dễ bị nghi ngờ là có lợi ích nhóm và tạo ra gánh nặng không đáng có với giáo viên, với gia đình học sinh vốn đã quá mệt mỏi vì các khoản đóng góp.

Chưa có quy định tiêu chuẩn

Đề án thực hiện chương trình sữa học đường trên địa bàn Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 4091/QĐ-UBND ngày 6/8/2018 của UBND TP Hà Nội, trong đó quy định:

Sản phẩm sữa tươi tiệt trùng trong Đề án Chương trình Sữa học đường phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; (Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT).

Tuy nhiên, ngay cả Quyết định số 5450 cũng chưa ban hành được tiêu chuẩn của sữa học đường.

Thứ nhất, quyết định này mới chỉ quy định sữa học đường phải đáp ứng tiêu chuẩn như sữa tươi tiệt trùng bán ngoài thị trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT.

Thứ hai, Quyết định số 5450/QĐ-BYT giao cho Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ em Việt Nam và quy định của quốc tế. Quyết định yêu cầu đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng mục tiêu và chỉ tiêu của chương trình sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.

Và đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn chính thức nào, hay quy chuẩn quốc gia nào cho sản phẩm sữa học đường. Quan trọng hơn, Viện Dinh dưỡng chỉ được giao nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ em Việt Nam và quy định của quốc tế để báo cáo Bộ Y tế, chứ không có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn cho sữa học đường.

Nguồn: Baophapluat

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục