Bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP HCM) có khoản tiền gửi 270 đồng (tương đương gần 2 chỉ vàng thời điểm gửi) tại Quỹ Tiết kiệm Xã hội chủ nghĩa thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1983. Đây là sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng. Sau 30 năm, tức vào đầu tháng 10 năm nay, bà Thủy đi tất toán và được Vietinbank - ngân hàng nhận trách nhiệm giải quyết thay Ngân hàng Nhà nước trước đây, đã tính ra số tiền lãi và gốc 4.385 đồng.
Kết quả này được Ngân hàng Công thương tính căn cứ trên số tiền gốc ban đầu 150 đồng (bà Thủy gửi lần thứ nhất vào tháng 9/1983) và 120 đồng (gửi lần thứ hai vào tháng 10/1983). Còn số tiền lãi được tính bằng công thức: Lấy số dư tiền gửi nhân với số ngày thực tế trong tháng, sau đó nhân với lãi suất tương ứng từng thời kỳ, chia cho 30 ngày. Số tiền lãi này được cộng dồn vào số tiền gốc liên tục qua các năm.
Trong thời gian bà Thủy gửi tiết kiệm (1983-2014) Việt Nam đã diễn ra một lần đổi tiền vào tháng 8/1985. Cứ 10 đồng tiền cũ sẽ đổi thành một đồng tiền mới. Do đó, số tiền gốc 270 đồng của bà Thủy, sau khi cộng gộp với khoản lãi (từ tháng 9/1983 đến tháng 8/1985) được tổng số dư là 377,10 đồng cũng được ngân hàng tiến hành quy đổi lại.
Nhưng để quy đổi số tiền này, Vietinbank đã dựa trên Thông tư 08 của Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 10/2010, hướng dẫn việc chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ năm 1983-1985. Trong văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước có lưu ý đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được một đồng tiền mới.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, việc quy đổi sẽ được chia theo giai đoạn, trong đó tiền gửi từ ngày 1/6/1981 đến 31/12/1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng một đồng mới. Do đó, với số dư 377,10 đồng tại thời điểm tháng 8/1985 đã được Vietinbank chuyển đổi thành 62,85 đồng.
Bảng tính thể hiện việc quy đổi 6 đồng tiền cũ thành một đồng tiền mới.
Từ số dư mới 62,85 đồng này, Vietinbank tiếp tục tính lãi phát sinh từ tháng 9/1985 đến 12/2014 (có thời điểm lãi suất lên đến 9% như trong tháng 3 và tháng 4 năm 1989, còn thấp nhất là 0,07% năm 2014). Do thời gian mà bà Thủy gửi quá dài (hơn 30 năm) nên bảng tính lãi và gốc được Vietinbank thực hiện trên bảng excel dài tới 378 dòng mới cho ra được kết quả 4.385 đồng.
Theo đại diện Vietinbank, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm (nhà bà Thủy gần chi nhánh 7), VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm này. "Chi nhánh 7 thực hiện chi trả tiền gửi cho khách hàng theo đúng quy định hiện hành”, đại diện Vietinbank nhấn mạnh.
Bảng tính lên đến 378 dòng mới cho ra được kết quả 4.385 đồng.
Trường hợp của khách hàng Lê Thị Bích Thủy đã tạo được sự chú ý của đông đảo độc giả với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có không ít ý kiến đồng tình với cách làm của nhà băng. "Về nguyên tắc, ngân hàng đã thực hiện theo đúng quy định pháp lý. Theo đó, 4.385 đồng Vietinbank chi trả là hợp lệ. Khách hàng không có lý do gì trách ngân hàng được, bởi lẽ, khoản tiền gửi trên là tài sản của họ và họ phải có phần trách nhiệm quản lý. Để quá lâu không rút, trong khi xã hội luôn có những thay đổi về chính sách, lạm phát lại tăng cao qua các năm nên việc đồng tiền mất giá là khó tránh khỏi", độc giả tên Hùng Trần chia sẻ.
Thế nhưng, bên cạnh chữ “lý”, nhiều độc giả đã đề cập đến chữ “tình”. "Ngân hàng có thể xem như là sự tri ân với khách hàng đã trung thành gửi những khoản tiền khá lâu trong ngân hàng mà không rút ra bằng việc cân nhắc chi trả một số tiền hợp lý hơn", bạn Thu Hương bộc bạch.
Về phía mình, Ngân hàng Công thương cho biết đã làm đúng các quy định, tính lãi theo đúng thời kỳ và đó là nguyên tắc rõ ràng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM cũng nhấn mạnh, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo tiền gửi của người dân qua hệ thống ngân hàng. Người gửi tiền sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi cho bất kỳ khoản tiền gửi nào, bất kỳ thời điểm nào. “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”, ông khẳng định.
Ngoài ra, ông Minh cũng giải thích thêm, ngân hàng huy động vốn bằng tiền gửi và không có ràng buộc bảo đảm bằng vàng hay thóc nên việc chi trả vẫn phải tính trên cơ sở lãi suất từng thời kỳ.
Theo VnExpress