Seaprodex Saigon bị buộc mở thủ tục phá sản

Cổ phiếu SNN của SeaProdex Saigon ghi nhận giảm kịch sàn sau tin công ty bị buộc mở thủ tục phá sản được công bố trên sở giao dịch chứng khoán.

Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, MCK: SSN).

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM ngày 27/4 đã ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với Seaprodex Saigon. Cùng với đó, TAND thành phố cũng chỉ định Công ty Sen Việt làm doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đối với Seaprodex Saigon.

Phía Sen Việt cho biết để đảm bảo tối đa giá trị tài sản của Seaprodex Saigon tại thời điểm mở thủ tục phá sản, tránh các trường hợp tẩu tán tài sản thông qua bán tháo cổ phiếu, công ty này đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX công bố thông tin về việc mở thủ tục phá sản theo quyết định của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Căn cứ vào hồ sơ thụ lý vụ án ngày 13/01/2022 về việc yêu cầu mở thủ tục phá sản theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Fortuna đối với Seaprodex Saigon. Sau khi xem xét, Tòa án xét thấy Seaprodex Saigon mất khả năng thanh toán, nên quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Diễn biến thị giá cổ phiếu SSN.

Diễn biến thị giá cổ phiếu SSN.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi thông tin bị mở thủ tục phá sản được công bố, cổ phiếu SSN đã giảm sàn kịch biên độ gần 15% trong phiên ngày 7/5, hiện giao dịch ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu. Tính trong một tháng gần nhất, thị giá SSN đã "rơi" gần một nửa từ vùng hơn 17.000 đồng/cổ phiếu.

SeaProdex Saigon đơn vị tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập ngày 31/03/1993 với tên gọi Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP.HCM. Đơn vị chuyển thành CTCP năm 2006 với vốn điều lệ là 96 tỷ đồng, công ty chuyên kinh doanh về chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Từ năm 2011, công ty mở rộng sang các mặt hàng nông sản, hàng hóa sắt thép, vật tư, hạt nhựa… Từ đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuất hiện xu hướng đi xuống. Trong nhiều năm liên tiếp, công ty chỉ ghi nhận vài chục tỷ đồng doanh thu và vài chục triệu lợi nhuận/năm. 

Đến ngày 15/10/2013, công ty chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Năm 2015, Ban lãnh đạo công ty đã thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm khai thác nguồn quỹ đất đang quản lý. Đến nay, bất động sản đã trở thành ngành chủ lực của Công ty.

Seaprodex Saigon bị buộc mở thủ tục phá sản - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, doanh thu của công ty đạt hơn 2,76 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm mạnh 89% so với cùng kỳ, chỉ còn trên 21 triệu đồng. 

Tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 31/3 là 1.086 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn lên tới 1.025 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu từ hợp tác đầu tư và phải thu về cho vay (235 tỷ đồng). Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng cuối tháng 3 chỉ có hơn 3,5 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng nhẹ so với đầu năm, lên hơn 634 tỷ đồng. Phần lớn nợ phải trả của công ty này là khoản phải trả ngắn hạn với giá trị gần 600 tỷ đồng, bao gồm từ tiền kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiển thất nhiệm, phải trả lương nhân viên nghỉ việc từ thời điểm cổ phần hóa, cho tới các khoản tiền mượn từ CTCP Thủ Thiêm Land, CTCP Thanh Niên và các bên khác.

Đáng chú ý là khoản nhận góp vốn Hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan đến dự án Centa Park 678 Âu Cơ, P14, Q. Tân Bình hơn 500 tỷ đồng. Được biết, theo hợp đồng hợp tác với CTCP TMDV và Xây dựng, SeaProdex Saigon sẽ góp vốn bằng quyền đầu tư dự án và các hạng mục công trình với giá trị tạm tính 500 tỷ đồng, CTCP TMDV và Xây dựng góp vốn bằng tiền 500 tỷ đồng. Các bên được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ dự án theo tỷ lệ góp vốn dự án.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn đắp chiếu và chưa thể triển khai vì vướng lùm xùm về pháp lý xây dựng.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục