Sau tin được cấp “sổ hồng”, condotel rao bán cắt lỗ nhưng vẫn kén người mua

Giới chuyên gia chỉ ra việc cấp sổ cho condotel vẫn còn vướng mắc nên dù sản phẩm này được rao bán cắt lỗ rầm rộ nhưng ít người quan tâm.

Rầm rộ rao bán condotel

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, một thập kỷ qua, các loại hình bất động sản mới gồm officetel, shophouse và condotel đều đang vướng pháp lý ở khâu cấp giấy chứng nhận.

Sau rất nhiều mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Nghị định 10) đã được ban hành. Trong đó, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (giấy chứng nhận) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.

Dù vậy, sau khi Nghị định 10 được ban hành thì các căn hộ condotel tại nhiều khu vực vẫn đang rao bán cắt lỗ nhưng vẫn khó tìm người mua.

Đơn cử, chị Phương Anh (Hà Nội) cho biết, đang rao bán một căn hộ condotel tại Đà Nẵng có diện tích 40m2 với mức giá 1,5 tỷ đồng (lỗ 400 triệu đồng so với giá mua) nhưng căn hộ vẫn chưa bán được.

Condotel chào bán rầm rộ sau thông tin cấp "sổ hồng". Ảnh: Báo Giao thông
Condotel chào bán rầm rộ sau thông tin cấp "sổ hồng". Ảnh: Báo Giao thông

Theo báo Giao thông, trên các trang mạng cũng xuất hiện thông tin nhiều căn hộ chào bán giảm giá. Theo đó, căn hộ tại dự án Apec Mũi Né chào bán giảm giá từ 300 - 700 triệu đồng tuỳ căn: Căn 1 phòng ngủ còn 650 - 720 triệu đồng (giá 100% căn hộ đã bao gồm thuế VAT); căn 2 phòng ngủ (54m²) giá từ 1,5 tỷ; căn Sky Villa có hồ bơi và sân vườn riêng trong căn hộ giá khoảng 2 tỷ đồng (đã có VAT). Bên bán cho biết, do ngộp tiền nên bán lại giá rẻ hơn giá chủ đầu tư đang bán hiện nay.

Khó có thể sôi động ngay

Lý giải nguyên nhân gần đây việc rao bán cắt lỗ condotel vẫn diễn ra rầm rộ dù các dự án đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, do thời gian qua pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng bị trục trặc và còn nhiều vướng mắc. Do đó, khi nhà đầu tư phân khúc này họ cảm thấy không yên tâm và không còn mặn mà.

Chủ tịch VARS cho rằng, để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm hồi phục, sau khi có Nghị định 10, Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương khẩn trương cùng với chủ đầu tư triển khai quy định mới vào thực tế.

Trong quá trình thực tế cấp sổ đỏ cho các sản phẩm này cần linh hoạt, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để sớm có đủ tính pháp lý, giúp đưa vào thị trường lưu thông, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, giúp giảm nợ xấu.

Ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ ngành Bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận chỉ giải quyết tình huống tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Sau khi cấp giấy chứng nhận, vẫn chưa có định hướng quản lý cũng như vận hành căn hộ. Cùng với đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo hành, bảo trì đối với loại hình bất động sản cũng chưa có quy định rõ ràng.

Trong khi đó, theo VTC News, ông Phạm Đức Toản cho rằng, phân khúc Condotel vẫn còn hạn chế, khó thu hút nhà đầu tư vì trên sổ đỏ của căn hộ Condotel vẫn ghi căn hộ dịch vụ và có thời hạn sở hữu. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi: Hết thời hạn trên sổ đỏ thì ai sẽ thu hồi? Chủ đầu hay nhà nước và thuế nộp ra sao? Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc công trình vẫn dùng được nhưng hết thời hạn giao đất sẽ thế nào. Rất có thể khi hết thời hạn trên sổ đỏ thì giá căn hộ sẽ giảm mạnh.

Bên cạnh đó, hiện giá condotel ở nhiều dự án tại các thành phố du lịch như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, vẫn rất cao do chủ đầu tư có cam kết lợi nhuận với người mua. Nhưng thực tế nhiều năm gần đây, cam kết này không hề được thực hiện. Vì vậy, nếu chủ đầu tư tiếp tục đưa ra chiêu bài cam kết lợi nhuận, thì chắc chắn người mua sẽ không tin và không mua.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục