Đó là những vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) sáng 21/2.
Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng KTNN cho biết: “Trong số 27 dự án thì 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có hai nhà thầu thì một nhà thầu bỏ cuộc”.
“Sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu do đơn vị lập ra”, ông Thành cho biết.
Đặc biệt, KTNN kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ngồi nhẩm tính tổng số năm mà 27 dự án BOT buộc phải giảm thời gian thu phí, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN Nguyễn Văn Thanh nói: “Mới kiểm toán 27 dự án mà có tới 80% số dự án phải rút ngắn thời gian thu phí với tổng số gần 100 năm, tiết kiệm bao nhiêu tiền cho dân”.
Cụ thể, sau kiểm toán, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị giảm thời gian thu phí trên 13 năm. Dự án mở rộng Đường Hồ Chí Minh qua Đăk Nông giảm trên 12 năm 3 tháng và Dự án nối đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu quận 9, TP. HCM giảm 11 năm. Ngoài việc chủ đầu tư kê khai tăng chi phí dự phòng, lãi vay, giải phóng mặt bằng còn nhiều sai sót khác gây đội vốn dự án.
Kết quả kiểm toán cho thấy công tác quản lý chi phí đầu tư thực hiện tại các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 1.400 tỷ đồng (giá trị được kiểm toán là 60.300 tỷ đồng).
KTNN cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần “nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch”.
Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó quy định khung tỉ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án.
Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tỉ lệ chi phí tổ chức thu phí cho từng loại hình công trình phù hợp.
Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng kết, đánh giá, làm cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT.
Mai Anh (TH theo Tuổi trẻ, Dân trí, VTV)