Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tăng bao nhiêu?

(SHTT) - Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo tăng một loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn lần đầu tiên sau hai năm.

Ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất huy động. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 23/9/2022. 

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng thêm 1 điểm % lên mức lần lượt là 5%/năm và 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm % lên 5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. 

Việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thông báo nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75 điểm %, cao nhất kể từ năm 2008. Các nhà hoạch định chính sách cũng dự báo sẽ còn một đợt tăng lãi suất khác thêm 1,25 điểm % trước thời điểm cuối năm.  

Trong một diễn biến có liên quan, VNDirect dự báo, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023. 

Cụ thể, về mặt bằng lãi suất tiền gửi, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng chậm hơn đáng kể.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mới tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tăng bao nhiêu? - Ảnh 1
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tăng bao nhiêu? - Ảnh 2

Các chuyên gia của VNDirect duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm 2022 bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, tác động từ việc NHNN nâng lãi suất điều hành;

Thứ hai, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM;

Thứ ba, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (+4,2% so với đầu năm, +9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác;

Thứ tư, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022;

Thứ năm, USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Sang năm 2023, VNDirect dự báo đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.

Hoàng Long (t/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục