PTI: Lợi nhuận tăng vọt và nỗi lo xung đột lợi ích từ cổ đông ngoại

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện PTI đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý, doanh thu giảm nhẹ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng vọt trên 210% so với cùng kỳ.

Doanh thu giảm, lợi nhuận tăng cao

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 2.083 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 99 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 256 tỷ đồng, tăng thêm hơn 134% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận sau thuế TNDN là hơn 138 tỷ đồng, tăng 93,8 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng hơn 210%.

Nguyên nhân chính được PTI đưa ra là do lợi nhuận của công ty mẹ là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện tăng so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến lợi nhuận của Báo cáo tài chính hợp nhất tăng. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận được cho là vượt trột trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

PTI: Lợi nhuận tăng vọt và nỗi lo xung đột lợi ích từ cổ đông ngoại - Ảnh 1

Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, PTI đã chi trả bồi thường hơn 514 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2024 vốn chủ sở hữu của PTI đạt 2.277 tỷ đồng, cùng mạng lưới hoạt động trải dài trên khắp các tỉnh thành cả nước với 55 chi nhánh, hơn 200 phòng giao dịch và 2.040 nhân viên.

Loay hoay câu chuyện: Vai trò của nhà đầu tư ngoại

Được biết, VNDRECT hiện là cổ đông lớn nhất của PTI. Ngoài ra, năm 2015 DB Insurance, doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Hàn Quốc đã mua 30 triệu cổ phần, chiếm 37,3% vốn điều lệ PTI.

Tuy nhiên, bất giờ đến năm 2023, DB Insurance lại tiến hành mua lại 75% vốn điều lệ của 2 công ty bảo hiểm khác là Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI). Hành động này được cho là gây ra sự quan ngại đối với ban lãnh đạo và cổ đông của bảo hiểm PTI.

Cụ thể, giữa năm 2023 tại ĐHCĐ, Chủ tịch HĐQT PTI Phạm Minh Hương cho biết rất ngạc nhiên với chiến lược kinh doanh của cổ đông Hàn Quốc.

“Khi mời DB vào thì chúng tôi kỳ vọng rất nhiều, là một cổ đông sở hữu 37% sẽ tham gia và xây dựng được năng lực kinh doanh cho PTI. Rất là đáng tiếc những điều DB nói trong 8 năm vừa qua chúng ta chưa làm tý nào”, bà Phạm Minh Hương phát biểu trước cổ đông.

DB Insurance được cho là vẫn chưa thể hiện được nhiều vai trò trong sự phát triển của PTI
DB Insurance được cho là vẫn chưa thể hiện được nhiều vai trò trong sự phát triển của PTI

Tuy nhiên, đại diện của DB cho rằng, việc đầu tư vào nhiều công ty bảo hiểm tại một thị trường nước ngoài là định hướng, chiến lược vốn có của DB.

“VNI và BSH đều đang thua xa so với PTI về quy mô và thị phần. PTI vẫn là mối ưu tiên hàng đầu của DB Insurance tại Việt Nam”, vị này khẳng định.

Đáng chú ý, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (Mã CK: PTI) đã không thông qua tờ trình về việc chào bán 80,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Lý do được đưa ra là DB Insurance tiếp tục bỏ phiếu phủ quyết tờ trình này.

Đại diện của VNDRECT cho biết, sau khi nắm thông tin DB Insurance có kế hoạch mua 2 công ty bảo hiểm cạnh tranh trực tiếp với PTI, HĐQT công ty đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông.

“Không thể một công ty bảo hiểm nước ngoài lại sở hữu 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, và sở hữu tiếp 37% cổ phần công ty bảo hiểm có quy mô như PTI”, vị đại diện nhấn mạnh và cho rằng việc này sẽ làm mất lợi thế ‘sân chơi’ của PTI trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào DN Việt với 2 mục đích: đầu tư tài chính để tìm kiếm lợi nhuận và đầu tư chiến lược, đồng hành dài hạn để lập nên cơ sở kinh doanh của mình trên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư ngoại không thể hiện được nhiều vai trò về chiến lược kinh doanh, quản trị, công nghệ hay chuyển giao kinh nghiệm tại các DN bảo hiểm phi nhân thọ nhất là các DN quy mô nhỏ. Các nhà đầu tư chiến lược này đều là những tập đoàn lớn nhưng việc đầu tư cầm chừng trong thời gian dài dường như là chỉ báo cho thấy chính các nhà đầu tư đang phải xem xét lại các kế hoạch của mình cũng như kỳ vọng trên 1 thị trường đầy khốc liệt ở Việt Nam.

“Một là tiếp tục rót vốn để có thể hi vọng gia tăng thị phần, tham gia vào việc vận hành, quản trị để cạnh tranh với nhóm dẫn đầu, hai là bán lại cổ phần cho các doanh nghiệp khác để tìm kiếm cơ hội mới”, vị chuyên gia kinh tế khẳng định.

Xuân Thạch

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục