Trước đây, xã Phú Thượng gồm có ba làng là Thượng Thụy, Phú Gia Và Phú Xá và mọi người thường gọi làng Bạc, làng Gạ và làng Sù. Làng Thượng Thụy xưa có nghề chính là trồng hoa lay ơn và buôn chuối. Sau chuyển sang trồng hoa đào, các loại hoa lá và buôn bán các loại hoa phục vụ nội thành Hà Nội và xuất ra các tỉnh lân cận. Làng Phú Gia có nghề truyền thống là nấu xôi được dân Hà Thành xưa nay rất ưa chuộng. Kể từ năm 1995, khi thành lập quận Tây Hồ, xã Phú Thượng (Từ Liêm) đã trở thành Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nghề trồng đào phát triển bởi cánh đồng đào Nhật Tân đã nhường đất cho dự án. Đất canh tác của phường Phú Thượng đã bị thu hẹp do xây dựng khu đô thị mới Nam Thăng Long, nhưng làng Phú Gia hiện tại vẫn là nơi có diện tích trồng đào lớn nhất khu vực Tây Hồ bởi làng có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất trong ba làng. Đời sống nhân dân sống chủ yếu bằng phát triển nghề trồng hoa đào.
![Phú Thượng - Tây Hồ: Buông lỏng quản lý đất nông nghiệp - Ảnh 1 Phú Thượng - Tây Hồ: Buông lỏng quản lý đất nông nghiệp - Ảnh 1](https://static.kinhdoanhnet.vn/common/no-image.png)
Dãy phố Phú Gia phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN với những công trình cao thấp mà phần lớn là được xây dựng trên đất nông nghiệp
Phải công nhận rằng, địa bàn phường Phú Thượng nằm trên dải đất ven sông Hồng có phong thủy tốt, cư dân hiền hòa đôn hậu, là mảnh đất tốt của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng cũng kể từ khi từ làng lên phố thì tình trạng buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến việc người dân sử dụng đất sai mục đích diễn ra khá phổ biến. Một số lớn đất nông nghiệp không được sử dụng đúng mục đích. Người dân mua bán, chuyển nhượng không được chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục nên xảy ra tình trạng tranh chấp và đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Bên cạnh đó, việc lợi dụng vào sự buông lỏng quản lý đất nông nghiệp nên một số hộ đã tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh.
Mặt tiền công trình xây dựng không phép nhà 20 Phú Gia, phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN với camera gắn dưới mái hiên di động.
Vừa qua báo Kinh doanh và Pháp luật có nhận được đơn thư của ông Công Tiến Bình và em gái là Công Thị Bắc, thường trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội phản ánh về việc vi phạm trật tự công trình xây dựng tại số nhà 20 phố Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, bà Nguyễn Thị Lợi hiện đang kinh doanh bán hàng giải khát.
Nhằm xác minh rõ nội dung đơn thư phản ánh của công dân, ngày 17/02/2017, phóng viên có buổi làm việc với ông Kiều Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng với nội dung như sau:
Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông cho biết tình trạng sử dụng tại số nhà 20 phố Phú Gia và những công trình liền kề thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường?
Ông Tâm (PCT): Toàn bộ diện tích đất trong đó có số nhà 20 phố Phú Gia đều có nguồn gốc là đất 5% - 10% nhưng đã nhiều năm nay người dân tự sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình nhà ở trên đó. Hiện nay, UBND phường chỉ có thể kiểm soát để không phát sinh thêm những công trình xây dựng vi phạm không phép. Số nhà 20 Phú Gia hiện nay đang có tranh chấp do gia đình ông Công Văn Vinh và vợ là Nguyễn Thị Lợi có chuyển nhượng cho ông Công Tiến Bình và bà Nguyễn Thị Bắc. Theo ông Bình và bà Bắc thì vợ chồng ông Vinh sau khi nhận tiền chuyển nhượng từ bà và ông Bình đã không giao trả đất như thỏa thuận mà còn ngang nhiên xây dựng không phép trên đất để kinh doanh. Về việc này, UBND phường Phú Thượng đã thực hiện công tác hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Năm 2016, UBND phường đã kiên quyết xử lý triệt để công trình xây dựng vi phạm không phép, tuy nhiên vì nhà ông Vinh vẫn không chịu trả đất cho nhà ông Bình, bà Bắc nên UBND phường đã hướng dẫn các bên gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền giải quyết.
PV: Như ông đã trả lời ở trên thì tình trạng người dân tự ý sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phép đã xảy ra nhiều năm và UBND phường hiện nay chỉ có thể kiểm soát để không phát sinh tình trạng này chứ không thể xử lý những vi phạm trước đó? Vậy tại sao đối với công trình vừa xây dựng không phép vừa sử dụng đất sai mục đích tại số nhà 20 Phú Gia lại được UBND phường kiên quyết xử lý vi phạm mà cụ thể xử lý ở đây là phá dỡ công trình vi phạm?
Ông Tâm (PCT): Vì công trình số 20 Phú Gia có đơn khiếu nại nên chúng tôi xử lý phá dỡ.
PV: Có vẻ câu trả lời của ông có phần mâu thuẫn bởi vừa trước đó ông cho biết hầu hết các công trình xây dựng bao gồm cả số nhà 20 Phú Gia là những công trình xây dựng không phép và sử dụng đất sai mục đích đã xảy ra từ nhiều năm trước và hiện nay UBND phường Phú Thượng chỉ có thể kiểm soát để không phát sinh tình trạng này, vậy mà năm 2016 (tức gần đây) theo yêu cầu của người dân kiến nghị, UBND phường lập tức tổ chức xử lý công trình vi phạm bằng cách dỡ bỏ. Vậy nếu phóng viên phản ánh rõ tình hình thực tế những công trình xây dựng vi phạm không phép, sử dụng đất sai mục đích tại nhiều nơi trên địa bàn phường thì chính quyền có giải quyết nhanh chóng và triệt để như cách đã giải quyết đối với đơn thư kiến nghị của người dân như vừa rồi không?
Ông Tâm (PCT): Phóng viên cứ phản ánh, chúng tôi sẽ trả lời là tình trạng này đã xảy ra lâu rồi và giờ chúng tôi chỉ kiểm soát để không phát sinh thôi.
PV: Về số nhà 20 Phú Gia, theo quan sát của nhóm phóng viên thì hiện nay công trình xây dựng vi phạm không phép trên đất 5% - 10% hiện vẫn tồn tại. Cụ thể là cổng được làm bằng cửa sắt kéo kiên cố, đi sâu vào trong sân có mái che, sàn lát xi măng, trong cùng là công trình nhà ở và khu vực bán nước giải khát có kê quầy bán hàng và nhiều bàn ghế phục vụ khách. Nhà được lắp đặt camera ở 4 góc khác nhau trong đó có một mắt camera được lắp ngay ngoài cửa ra vào để kiểm soát người ra vào quán. Vậy ông có biết tình trạng này không? Ông nói công trình vi phạm ở đây đã được phá dỡ và địa phương luôn kiểm soát để không phát sinh tình trạng này, vậy tại sao hiện nay ở nhà 20 Phú Gia vẫn tồn tại công trình xây dựng vi phạm?
Ông Tâm (PCT): Việc này tôi phải cho anh em đi kiểm tra lại rồi mới nói được.
Như vậy, qua trao đổi với ông Tâm - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, có thể thấy rõ sự bao che, dung túng của các lãnh đạo địa phương cho những sai phạm liên quan đến đất đã và đang diễn ra ở địa phương. Tại Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 226/TB-UBND ngày 15/10/2015, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ ký có ghi rõ: "Tại địa chỉ số 20 Phú Gia không còn công trình vi phạm trật tự xây dựng như thể hiện tại Biên bản số 05.56/BB-VPHC do Tổ Thanh tra xây dựng phường Phú Thượng lập ngày 19/06/2014".
Không biết do cấp dưới báo cáo lên lãnh đạo UBND quận là đã xử lý công trình xây dựng vi phạm để lãnh đạo UBND quận yên tâm ban hành văn bản thông báo "đã xử lý và không còn tồn tại công trình vi phạm" tới người dân mà không hay biết công trình xây dựng vi phạm vẫn đang tồn tại? Hay công trình xây dựng vi phạm đã được xử lý nhưng do UBND phường Phú Thượng buông lỏng quản lý dẫn đến tái vi phạm mà UBND phường dung túng "cho qua"?. Càng khó hiểu hơn nữa khi công trình xây dựng vi phạm nhà 20 Phú Gia chỉ cách UBND phường Phú Thượng chừng 300m, vậy mà khi phóng viên hỏi: "có hay không biết tại đây hiện vẫn tồn tại những công trình xây dựng vi phạm?", ông Tâm vẫn vô tư trả lời là: "để cho anh em đi kiểm tra". Vậy trách nhiệm của ông Tâm ở đâu?
Không chỉ nhà 20 Phú Gia là công trình xây dựng vi phạm trên đất 5% - 10% mà hàng loạt công trình liền kề hiện cũng trong tình trạng như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc trong những số báo tiếp theo.
Hiền Anh - Nguyễn Hưng