Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 5 chỉ có một doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công là Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo. Công ty này phát hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, áp dụng lãi suất phát hành 9%/năm.
VBMA cho hay, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận là gần 34.300 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84%), giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lượng trái phiếu được mua lại, VBMA thống kê trong tháng 5/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 25.598 tỷ đồng trái phiếu (chưa có trái phiếu doanh nghiệp nào được mua lại trong tháng 6 tính đến thời điểm ngày 2/6). Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số với hơn 17.000 tỷ đồng, tương đương 66%. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt hơn 76.500 tỷ đồng (tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2022).
Tính đến thời điểm ngày 2/6, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng. Dẫn đầu là nhóm bất động sản với 101.179 tỷ đồng. Xếp sau là nhóm ngân hàng, với 31.661 tỷ đồng.
Theo ước tính của VnDirect, trong tháng 6/2023 trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh với khoảng hơn 35.500 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/05/2023). Nếu so cả năm, thì tháng 6 là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023.
VBMA cập nhật đến ngày 2/6, trong phần còn lại của năm 2023, dự kiến có hai doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu. Đầu tiên là Vietcombank (HOSE: VCB), khi HĐQT đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng thành hai đợt với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn lại là CTCP Thuận Đức (HOSE: TDP) có quyết định chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa 300 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, thanh toán lãi, gốc và các nghĩa vụ tài chính đến hạn. Mục đích đợt chào bán trái phiếu là để cơ cấu lại các khoản nợ của TDP, thanh toán một phần hoặc toàn bộ các khoản thanh toán gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính đến hạn của các khoản vay ngắn/dài hạn, trái phiếu của TDP.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn vẫn ngày càng tăng. Điều này cho thấy, thị trường vốn này vẫn đứng trước rất nhiều những nỗi lo và áp lực.
Trong kỳ báo cáo tháng 5, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1.200 tỷ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu.
Theo tổng hợp của Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 24/4/2023, có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này được các chuyên gia ước tính vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trước bối cảnh hoạt động phát hành trái phiếu gần như “đóng băng”, việc đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra sôi nổi. Dữ liệu từ VBMA cho thấy, trong tháng 4, có 20 doanh nghiệp đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ. Tháng 5, có thêm khoảng 16 doanh nghiệp đàm phán thành công với trái chủ về việc lùi kỳ hạn thanh toán và thay đổi các điều khoản khác có liên quan.
Một số tổ chức phát hành khác có thời gian lùi kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Như trường hợp trái phiếu TRINHGIANGUYEN.BOND.2020 của Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn lùi kỳ hạn từ 84 tháng lên 108 tháng. Các nội dung về kỳ trả nợ gốc, lãi cũng được bổ sung.
CTCP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định lùi thời gian đáo hạn thêm 1 năm trái phiếu GDSCH2123001. Sau điều chỉnh, trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 10/05/2024. Song song đó, Công ty sẽ phải mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu với tiến độ theo từng thời điểm cụ thể. Mặt khác, nội dung tính lãi cho từng kỳ thanh toán cũng được điều chỉnh. Tăng lãi suất lên 13.5%/năm cho kỳ tính lãi 9 và 10 và 14%/năm cho kỳ 11 và 12.
CTCP Kita Invest cũng kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 6 tháng để giảm áp lực tài chính và ổn định hoạt động kinh doanh đối với lô trái phiếu 500 tỷ đồng (mã KITA.BOND2020.03). Ngày đáo hạn ban đầu 5/5 được lùi đến 5/11/2023.