PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác"

Nguyên Viện trưởng kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã đắn đo rất lâu khi tôi đề nghị ông trả lời về con đường của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, vì "phải nói thế nào để vừa thẳng thắn, vừa khách quan, mà lại không bị hiểu nhầm là nịnh bợ đại gia, tô hồng doanh nghiệp".

Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp nhau vào một buổi chiều Hà Nội mát dịu, chỉ vài ngày trước khi Vingroup bước vào tuổi 25 (8/8/1993 – 8/8/2018). Câu chuyện về được bắt đầu sau khi ông Trần Đình Thiên đưa cho tôi cuốn sách nổi tiếng "30 năm sóng gió" của tác giả Trung Quốc Ngô Hiểu Ba. "Sau 30 năm, vượt lên nhiều bi kịch của cơ chế, giới doanh nhân Trung Quốc đã có những bước đại nhảy vọt chưa từng thấy. Người Việt có thể nhìn vào những bài học quá khứ, hiện tại của họ để rút ra những kinh nghiệm kiến thiết tương lai…"

Bùi Ngọc Hải: Trước khi đi vào câu chuyện cụ thể của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, chúng ta hãy bắt đầu từ bức tranh chung. Có lần ông đã chỉ ra căn bệnh ghét người giàu, tâm lý muốn giấu giàu của người Việt và coi đó như là một trong những lực cản trong phát triển. Theo tôi, một phần tâm lý này bắt nguồn từ việc không ít người dân chưa nhìn thấy rõ ràng những thứ mà người giàu đàng hoàng thực sự mang lại cho xã hội.

Ông có thể phân tích rõ thêm: Ngoài những khoản nộp thuế, những danh hiệu khiến Việt Nam được thế giới biết đến như tỉ phú đô la, thì những người giàu như ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup thực sự mang lại những động lực, nguồn lực, nguồn cảm hứng nào cho đất nước?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Về căn bệnh ghét người giàu và tâm lý "giấu giàu" ở Việt Nam, tôi có nhận định rằng thái độ xã hội và của bộ phận đông đảo người còn nghèo ở nước ta đối với sự giàu có và đối với người giàu đang tích cực dần lên. Từ chỗ thù ghét, đối địch, "xúc đất đổ đi", coi là con buôn, con phe, đang dần chuyển sang thái độ tôn trọng và tôn vinh. Thật may là xu hướng này đang ngày càng mạnh lên.

Nói về đóng góp của người giàu cho xã hội, có thể kể ra nhiều thứ. Thông qua việc phát triển cơ nghiệp của mình, người giàu giúp tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động; đóng thuế nuôi ngân sách quốc gia, đóng góp phúc lợi xã hội và làm từ thiện.

Đó là những đóng góp hữu hình, trực tiếp, dễ nhận thấy. Nhưng họ còn đóng góp nhiều thứ khác cho quốc gia, cho sự phát triển xã hội - những đóng góp dường như "vô hình" nhưng to lớn và có giá trị không kém.

Thứ nhất, họ là những người tạo năng lực phát triển, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự nổi lên của Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc với tư cách là những trung tâm du lịch có sức cạnh tranh quốc tế; sự trỗi dậy của VietJet (hàng không), của Trường Hải và VinFast (ô tô), của FPT (công nghệ thông tin) hay của TH TrueMilk (nông nghiệp công nghệ cao)… đều tạo thành những năng lực phát triển quốc gia. Những năng lực đó được định hình nhờ các doanh nghiệp tư nhân lớn, các "đại gia".

Thứ hai, những người giàu không chỉ tạo ra của cải và năng lực phát triển. Họ còn đóng vai trò là những người sáng nghiệp và dẫn dắt phát triển. Tôi cho rằng loại đóng góp này là đặc biệt quan trọng. Nhiều người giàu, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi và nhờ chuyển đổi, thực sự là những người tiên phong cải cách, tiên phong đổi mới sáng tạo, đảm nhiệm vai trò mở đường và dẫn dắt phát triển. Các ông Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Trần Bá Dương, bà Thái Hương, ông Mai Hữu Tín,… là những người như vậy.

Thứ ba, thông qua các doanh nghiệp của mình, những người giàu thường đóng vai trò trụ cột trong việc xây dựng và phát triển lực lượng doanh nghiệp quốc gia. Nhìn sang Nhật Bản với các Keiretsu, Hàn Quốc với các Chaebol, gần đây là Trung Quốc với các Tập đoàn Alibaba, Wanda, Tencent, ... dễ nhận thấy vai trò cực kỳ to lớn của những tập đoàn – đại gia này trong sự phát triển kinh tế quốc gia.

Ở Việt Nam, vai trò này chưa được xác lập rõ. Các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam chưa phát triển một cách bình thường trong môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, do đó, chưa đóng được vai trò trụ cột cần có cho sự phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp có tới 96-97% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và "nhỏ li ti".

Tôi vẫn nêu giả thuyết: Phải chăng vì thiếu trụ cột này mà doanh nghiệp Việt Nam tuy khá đông vẫn chỉ có số lượng mà chưa thành "lực lượng", mãi vẫn chậm lớn và khó trưởng thành?

Ngoài ra, người giàu còn là lực lượng truyền cảm hứng hành động, tạo hình mẫu làm giàu cho xã hội. Nếu người giàu trở thành "tấm gương làm giàu" nhờ đầu cơ, chộp giật, nhờ buôn gian bán lận, "rút ruột" ngân sách nhà nước thì hình ảnh của họ sẽ có tác động tiêu cực ghê gớm.

Ngược lại, nếu người giàu nêu tấm gương chính trực, làm ăn đàng hoàng, đặt Tổ quốc, đặt mục tiêu thịnh vượng quốc gia lên hàng đầu thì họ sẽ là tấm gương sáng cho xã hội noi theo. Việt Nam cũng đã từng có những tấm gương như vậy.

Làm giàu vốn là công việc rất khó khăn, làm giàu chính đáng càng khó khăn gấp bội, nhất là khi nỗ lực đó diễn ra trong một hệ thống chuyển đổi, trong bối cảnh cơ chế, chính sách tranh tối, tranh sáng chưa hoàn thiện. Trong môi trường đó, biết xoay xở thì dễ làm giàu nhanh, nhưng cũng dễ tha hóa hơn. Sự phán xét tư cách, đạo đức của người giàu, do vậy, cũng lắt léo hơn.

Sự kỳ thị, khinh ghét người giàu - trạng thái tâm lý xã hội đang phổ biến – sẽ giảm thiểu, khi xuất hiện cơ chế đúng. Vấn đề là phải tạo ra môi trường, cơ chế vận hành, một hệ thống pháp luật không cho phép sản sinh và dung dưỡng những tấm gương người giàu tha hóa. Người giàu tha hóa được giảm thiểu, thì sự kỳ thị với người giàu nói chung, cũng sẽ giảm thiểu.

Bùi Ngọc Hải: Có một sự thật là hàng ngày, vẫn thấy những người Việt rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội làm ăn, tìm kiếm cuộc sống ở những đất nước mà theo họ là đang yên bình hơn, môi trường sống trong lành hơn. Những người bình tĩnh thì cho rằng: Dù thành công ở đâu thì họ sẽ vẫn quay trở lại đóng góp cho quê hương. Nhưng ở chiều ngược lại, người sốt ruột đồng quan điểm với bà Phạm Chi Lan: "Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?".

Ông Vượng và một số doanh nhân khác (đặc biệt là các doanh nhân từng có thời gian làm việc tại Nga, Đông Âu) đã chọn một hành trình ngược: Quyết định về nước sinh sống và đầu tư lâu dài sau nhiều chục năm khấm khá, yên ổn tại xứ người. Không những thế, hiện nay ông Vượng và Vingroup dường như đang đầu tư "tất tay" tại Việt Nam, chứ không tìm cách gá một chân ra nước ngoài. Ông bình luận gì về điều này?

PGS. TS Trần Đình Thiên
: Nói chung, việc người nước này di chuyển sang nước khác tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn là bình thường, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa ngày nay.

Có nhiều nguyên nhân được giải thích: Do cơ hội việc làm, do năng lực cá nhân, do hoàn cảnh gia đình, do ràng buộc cơ chế, do thực phẩm, giáo dục, y tế, thậm chí là do thời tiết. Thuế thu nhập cá nhân quá cao, chính sách phân biệt đối xử, môi trường kinh doanh "trên rải thảm, dưới rải đinh" lác đác ở đâu đó, hay cải thiện thể chế diễn ra quá chậm, cũng là những lý do giải thích việc di chuyển đầu tư từ nước này sang nước khác.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam thu hút được khá nhiều đầu tư nước ngoài. Nhiều người đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Họ thấy Việt Nam là mảnh đất nhiều cơ hội, là nơi đáng sống, và quyết định trở về Việt Nam đầu tư kinh doanh.

Từ cách đây hàng chục năm, tức là rất sớm so với xu thế này, ông Phạm Nhật Vượng đã rút toàn bộ vốn liếng từ nước ngoài đầu tư về Việt Nam và hiện đang triển khai tất cả dự án kinh doanh của mình tại Việt Nam. Ông chia sẻ rằng sẽ "chung thân" kinh doanh tại mảnh đất này.

Tôi tin vào cam kết của ông Vượng. Ít nhất cũng từ hai căn cứ chính, như ông chia sẻ. Thứ nhất, do ông tin vào triển vọng phát triển của Việt Nam, do đó, sẽ tập trung toàn lực để nắm bắt và triển khai cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Thứ hai, ông là người Việt, là người con của đất nước này.

Ông ấy nói các nhà đầu tư quốc tế đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, nghĩa là họ đã "bỏ phiếu thuận" cho chúng ta, họ đánh giá cao cơ hội và triển vọng của Việt Nam. Vậy tại sao người Việt Nam có thể bỏ qua cơ hội tại chính Tổ quốc mình?

Bản thân ông Vượng cũng đã và đang dốc sức đầu tư tại Việt Nam và gặt hái không ít thành công. Việc làm này chứng tỏ vị này đang cố gắng tạo ra những năng lực phát triển mới và tốt cho đất nước, mang lại những sản phẩm tốt cho người Việt Nam, một cách nghiêm túc và với sự tin cậy.

VinFast là bằng chứng cho điều đó. Việc Vingroup tài trợ VTV mua bản quyền World Cup để người dân Việt Nam được xem giải Vô địch bóng đá Thế giới 2018 – đơn giản, không ồn ào cũng tương tự như vậy. Về mặt cá nhân, ông Vượng đang mang lại cho Việt Nam một niềm tự hào khi dành một vị trí cao trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu.

Có thể còn những ý kiến nghi ngờ động cơ, kết quả, thiện chí và cách làm của Phạm Nhật Vượng. Nhưng trong xã hội, tồn tại ý kiến khác nhau về một sự kiện, về một con người, là điều bình thường. Không thể tìm thấy một người mà công chúng hoàn toàn không có ý kiến gì khi đánh giá hoạt động của họ, nhất là hoạt động làm giàu, trong môi trường "tranh tối tranh sáng" mà tôi đã nói ở trên. Ngay cả ở nước ngoài, trước khi được tôn vinh, nhiều doanh nhân cũng bị dư luận nhận định trái chiều, thậm chí đối nghịch.

Kinh doanh thì phải quyền biến, linh hoạt, phải biết xoay xở, dễ mắc và dễ phải chịu điều này tiếng nọ. Song Phạm Nhật Vượng, như tôi biết, có những phẩm chất và năng lực nền tảng của một doanh nhân dân tộc đích thực.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 1

Bùi Ngọc Hải: Vingroup đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng những bước thần tốc. Mới đây nhất họ quyết định nhảy vào dược, phim hoạt hình, đầu tư bóng đá trẻ, VinFast và cả smartphone Made in Vietnam (trước đó còn là nông nghiệp sạch, giáo dục, y tế). Từ cái lõi bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, việc họ vươn nhanh đến rất nhiều lĩnh vực khác như vậy, theo cá nhân ông, có gì đáng mừng và có gì phải cân nhắc?

Cá nhân ông nhận định thế nào về khả năng thành công của hai dự án được Vingroup và người Việt kỳ vọng nhiều nhất hiện nay là VinFast và điện thoại thông minh VSmart?

PGS. TS Trần Đình Thiên
: Về lý thuyết thì câu chuyện này đang khiến tôi băn khoăn, thậm chí có phần lo lắng.

Việc trải rộng lĩnh vực đầu tư cũng giống như việc dàn mỏng binh lực trong một trận chiến, dễ tạo ra điểm yếu và bị đối phương "đột kích". Đã có nhiều ví dụ kinh điển về sự thất bại của không ít doanh nghiệp khi thừa thắng xốc tới, dàn mỏng đầu tư để sau đó, bị "nốc ao" đau đớn. Suzuki và Honda vào thập niên 70 của thế kỷ trước đã có một cuộc đua như vậy vào lĩnh vực ô tô với kết cục thất bại không ngờ thuộc về Suzuki.

Cho đến nay, Vingroup đã và đang triển khai trên nhiều mặt trận – từ bất động sản đến y tế, giáo dục, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, gần đây là đào tạo nhân lực; bây giờ là ô tô và điện thoại thông minh. Thực sự là khá rộng. Và đó chính là điểm có thể gây lo ngại, nếu xét trên quan điểm đầu tư truyền thống.

Tuy vậy, có một điều chúng ta phải nhìn thấy: Kết quả phát triển thực tế mà Vingroup đạt được cho đến nay, như tôi biết, vẫn tốt và vững chắc. Nó cụ thể hóa bằng cách đầu tư đúng hướng: Một, nhằm vào phân khúc sản phẩm cao cấp, dựa vào công nghệ cao, nhắm đúng nhu cầu thị trường, tạo lòng tin nơi người tiêu dùng; Hai, biết tạo lan tỏa – kết nối các lĩnh vực đầu tư thành chuỗi cung ứng hỗ trợ nhau - đang phát huy hiệu quả.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 2

Ngoài kết quả thực tiễn đó, còn có những lý lẽ hỗ trợ triển vọng "chiến thắng" đa ngành của Vingroup:

Thứ nhất, Vingroup không tự giới hạn mình trong lĩnh vực bất động sản truyền thống. Vingroup đang chuyển mạnh sang các lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với hoạt động đổi mới – sáng tạo, trong lĩnh vực chế biến – chế tạo. Ôtô và điện thoại thông minh đang là lãnh địa của nhiều "ông lớn" hùng mạnh nhưng được Vingroup chọn làm "điểm quyết chiến lược". Cơ sở lựa chọn là "lợi thế đi sau" gắn với xu thế thời đại, không phải là cách làm kiểu "ăn theo".

Thứ hai, Vingroup không bị giới hạn bởi vị thế "tập đoàn lớn - đi đầu". Tôi được biết trong Vingroup, đã từng có cuộc thảo luận sôi nổi với chủ đề "Liệu một tập đoàn hàng đầu còn có động lực đổi mới – sáng tạo?".

Ông Phạm Nhật Vượng nói với tôi đây chính là vấn đề sống còn của Vingroup và nó luôn ám ảnh ông. Khẩu hiệu "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" nhằm nói đến quyết tâm đổi mới và sáng tạo không ngừng của tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam này.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 3

Bùi Ngọc Hải: Ông Vượng rất ít xuất hiện trên báo chí. Tôi nhớ không nhầm thì trong suốt mấy chục năm qua, dường như tỉ phú đô la này mới chỉ trả lời phỏng vấn 2 lần. Tất nhiên đều rất kiệm lời. Ngay cả nội dung những cuộc nói chuyện đậm đặc triết lý quản trị, triết lý kinh doanh mà giới doanh nhân và những người trẻ rất muốn nghe, ông Vượng cũng chỉ muốn để ở chế độ nội bộ.

Tuy nhiên, vì tên ông Vượng và Vingroup là từ khóa quá hot, nên người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều mảnh ghép chân dung khác nhau. Chân dung của ông Vượng sẽ được phác thảo thế nào qua góc nhìn của PGS. TS Trần Đình Thiên, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tôi không tiếp xúc nhiều với ông Vượng. Trực tiếp chỉ 3-4 lần. Nhưng tôi rất quan tâm tìm hiểu về con người và cách ông ấy phát triển Vingroup, muốn tìm ở đó những gợi ý giúp đúc kết hình mẫu phát triển doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, tôi có một vài nhận định về con người ông Vượng và về Vingroup.

Ông Vượng là con người điềm đạm, vừa nguyên tắc (kiên định) với mục tiêu (phát triển – không đơn thuần là lợi nhuận) và phương châm hành động (đánh mượn sức), nhưng cũng rất mềm dẻo trong ứng xử (linh hoạt, chớp thời cơ). Sự hiểu biết và tầm nhìn xa tạo cho ông sức hấp dẫn và năng lực thuyết phục cộng sự và bộ máy của mình.

Có lẽ nhờ đó mà Vingroup vừa lớn nhanh, vừa phát triển vững chắc, tạo được và ngày càng củng cố được lòng tin xã hội.

Tất nhiên, những lời đánh giá (khen) như vậy cần được giải thích rõ ràng. Nếu không, chúng dễ bị coi là sự "nịnh bợ", "lấy lòng đại gia", xuất phát từ động cơ "có vấn đề".

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 4

Bùi Ngọc Hải: Cách đây khá lâu, ông Phạm Nhật Vượng đã tặng tất cả thuộc cấp ở vị trí quản lý cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại". Đó là cuốn sách lý giải tại sao một số công ty có thể đạt bước đại nhảy vọt, còn công ty khác thì vẫn mãi lẹt đẹt. Theo ông Vượng, đến thời điểm này đã có thể coi Vingroup là công ty tốt, nhưng đường đến vĩ đại thì còn phải vượt qua rất nhiều ghềnh thác.

Trong một số lần trò chuyện với thuộc cấp, bạn bè, ông Vượng cũng đã đề cập đến câu chuyện Việt Nam phải có doanh nghiệp trường tồn và Vingroup luôn khát khao trở thành tập đoàn vững bền, góp phần vươn sức mạnh Việt ra thế giới. Theo ông, Vingroup đã hội được những yếu tố gì và còn thiếu yếu tố gì cho mục tiêu lớn đến như vậy?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Về sự trường tồn của "đại doanh nghiệp thế giới", tôi nghĩ cần phải hiểu khái niệm "trường tồn" một cách mềm dẻo. Ai cũng muốn "trường tồn", cả về cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.

Ai cũng muốn cơ nghiệp do mình dựng nên được trường tồn. Phạm Nhật Vượng không phải là ngoại lệ.

Nhưng khái niệm "trường tồn" cần được hiểu một cách có điều kiện, theo tinh thần biện chứng. Trường tồn không hàm nghĩa "muôn năm bất biến". Lịch sử chưa ghi nhận một doanh nghiệp nào như vậy. "Doanh nghiệp trường tồn" chỉ nên được hiểu theo nghĩa phát triển bền vững lâu dài.

Trong một thế giới thường biến, tốc độ thay đổi ngày càng nhanh, khó dự báo và nhiều rủi ro thì để một doanh nghiệp "trường tồn", chỉ có một cách là bản thân nó cũng phải "thường biến", nhưng là "thường biến" hợp xu thế thực tiễn, hợp xu thế thời đại. Nghĩa là nó thường xuyên "không phải là nó" chứ không phải "trường tồn bất biến". Một doanh nghiệp, muốn được như vậy, phải có năng lực thường xuyên đổi mới, sáng tạo không ngừng.

25 năm qua, Vingroup đã chứng tỏ năng lực thường xuyên đổi mới của mình. Nhưng cơ bản, đó mới là năng lực thay đổi cách tổ chức hoạt động kinh doanh, chưa phải là năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 5

Bản thân Vingroup mới chuyển sang lĩnh vực chế biến – chế tạo. Trong lĩnh vực mới này, Vingroup đang tận dụng lợi thế đi sau – mua công nghệ tốt nhất của những ông lớn đi trước, biến nó thành sở hữu của mình để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Vingroup.

Nhưng hiện tại công nghệ đó chưa phải là năng lực của Vingroup theo nghĩa do chính Vingroup tạo ra. Vingroup chưa có nền tảng công nghệ của mình, chưa có năng lực cốt lõi "tự mình" và vẫn bị lệ thuộc vào nguồn đổi mới từ bên ngoài.

Năng lực đổi mới – sáng tạo công nghệ, theo tôi, vẫn là thứ năng lực Vingroup chưa có đủ, còn đang phải tạo ra, để cạnh tranh và "trường tồn" trong cạnh tranh. Nhưng tôi tin, khi cả thế giới bước vào thời đại công nghệ mới, về logic tất cả đều đứng ở vạch xuất phát mới, thì cơ hội cho Vingroup "thắng" trong việc đổi mới và sáng tạo ra "năng lực cốt lõi" của mình, là rất lớn.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 6

Bùi Ngọc Hải: Cuốn sách best seller "Tứ đại quyền lực" (The Four) đã giải mã gene đột phá của 4 đế chế khổng lồ làm trụ cột sức mạnh kinh tế Mỹ: Amazon, Apple, Facebook, Google. Có thể thấy một trong những điểm chung cho sự thành công đại nhảy vọt của họ là sức mạnh công nghệ, khả năng sáng tạo vô cùng và ứng biến khôn lường.

Hiện nay, ngoài ông Vượng, đã có thêm 3 đại gia Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú đô la (bà Thảo - Vietjet, ông Long - Hòa Phát, ông Dương - Trường Hải).

Theo hình dung của ông, 10, 20, 30 năm nữa ông Vượng và Vingroup sẽ thế nào? 10 năm nữa, liệu Việt Nam có xuất hiện nhân vật thứ 2 có quy mô và tầm vóc như hiện giờ của Vingroup? Nhà nước cần làm thật mạnh điều gì để xuất hiện nhiều hơn những người giàu có thể làm trụ cột kinh tế cho đất nước?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Quả thật khó đoán. Thế giới đang thay đổi rất nhiều và quá nhanh, đầy bất thường. Nhiều cá nhân giàu nhanh và nghèo cũng rất nhanh. Facebook và Nokia là hai ví dụ đối nghịch trên bình diện công ty.

Nhưng có mấy lý lẽ để dự báo triển vọng lạc quan của ông Vượng và Vingroup hàng chục năm sau.

Một, nền kinh tế Việt Nam được dự báo một triển vọng lạc quan dài hạn. Nếu không nhầm, có một nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới mới năm ngoái dự báo rằng Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 25 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới vào năm 2050.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 7
Hai, ông Vượng và Vingroup cam kết chung thân "kinh doanh" ở Việt Nam.

Ba, ông Vượng và Vin hiện vẫn tiếp tục giữ được sự sáng suốt chiến lược, phong cách kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.

Chưa có lý do gì để hoài nghi những lý lẽ trên.

Về khả năng xuất hiện một doanh nghiệp giống Vingroup sau 10 năm nữa – cũng không có cơ sở để bác bỏ. Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác. Nhất là trong điều kiện bùng nổ công nghệ ở cấp độ toàn cầu như bây giờ. Tất nhiên là không dễ dàng, rất không dễ dàng. Nhưng khả năng là có, thậm chí, xác suất còn cao hơn.

Còn một yếu tố nữa môi trường kinh doanh nhất định sẽ phải tốt lên, theo hướng thúc đẩy, khuyến khích người giỏi, người tài. Chính phủ đang nỗ lực cho điều đó, và phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa cho điều đó.

Bùi Ngọc Hải: Chúng ta đã mở đầu bằng bức tranh chung về những người giàu. Để kết thúc cuộc trò chuyện này, tôi vẫn muốn trở lại vấn đề ấy. Phải mất rất nhiều năm, sau thời Bạch Thái Bưởi, đất nước mới lại có cơ hội xuất hiện lớp doanh nhân dân tộc nhiều khát vọng và dám đương đầu với các đối thủ quốc tế.

Tôi rất muốn ông đưa ra vài nhận xét khái quát về điểm đáng chú ý của những doanh nhân siêu giàu ở Việt Nam hiện nay: Họ đang có gì và thiếu gì? Họ có thể làm những gì để gia tăng năng lực, góp phần tạo dần nền móng cho một Việt Nam thịnh vượng?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Nhóm doanh nhân siêu giàu của Việt Nam, về mặt cá nhân, đa số là những người "thông minh – và - may mắn". Họ là những người tháo vát, năng động và quyền biến, nhất là trong việc nhận diện và tận dụng thời cơ. Tuy nhiên số người bộc lộ tài năng kinh doanh đúng nghĩa vẫn còn ít.

Trên thực tế, những người siêu giàu chưa kết thành nhóm, không tạo thành một lực lượng đủ mạnh. Chưa mạnh không chỉ do họ còn quá ít về số lượng (chỉ chưa đầy 2% doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp lớn), mà chủ yếu là do họ thiếu liên kết và chưa được thể chế hỗ trợ tốt.
PGS.TS Trần Đình Thiên: "Đã có Phạm Nhật Vượng thì cũng có thể có những người khác" - Ảnh 8

Nguồn gốc làm giàu của một số người là ở môi trường kinh doanh "tranh tối tranh sáng" kéo dài (khi thể chế mới đang dần dần được hoàn thiện). Họ bươn chải trong môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng và thậm chí nhiều lúc được khuyến khích "ngược" - làm giàu nhờ khéo đầu cơ, chộp thời cơ ngắn hạn, tầm nhìn ngắn, biết "xoay sở" quan hệ, hơn là nhờ tầm nhìn chiến lược tốt, giỏi đầu tư và biết quản trị tốt.

Động cơ làm giàu của họ cũng khác biệt nhau nhiều, trải từ động cơ kiếm nhiều tiền để hưởng thụ, tiêu xài cá nhân (đang chi phối nhiều người) cho đến khát vọng tạo sự nghiệp, lập tượng đài vinh quang cho dân tộc và cho bản thân mình (thiểu số).

Họ chưa được hỗ trợ bởi định hướng tư duy chiến lược phát triển lực lượng siêu giàu để làm trụ cột phát triển lực lượng doanh nghiệp quốc gia.

Nghĩa là cần phải làm nhiều thứ để tăng số người siêu giàu, kết họ thành lực lượng, làm trụ cột vững chắc cho lực lượng doanh nghiệp quốc gia.

Muốn vậy, phải tôn trọng việc làm giàu chính đáng và người biết làm giàu, biết khuyến khích người giàu làm giàu, phải hỗ trợ mọi nỗ lực làm giàu đúng nguyên tắc thị trường.

Phát triển nhóm người siêu giàu phải được đặt trong khuôn khổ một chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia đúng, được coi là chiến lược ưu tiên hàng đầu của đất nước trong giai đoạn tới.

Bùi Ngọc Hải: Xin cảm ơn PGS. TS Trần Đình Thiên về cuộc trò chuyện này.



Bài viết: Bùi Ngọc Hải/ Theo Trí Thức Trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục