Khi lãi hóa lỗ
Quý II/2023, doanh thu thuần hợp nhất của NVL đạt 1.040 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 473 tỷ đồng, giảm 58%.
Thu nhập của NVL được bổ sung thêm 766 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 53%) và 3 tỷ đồng lãi từ công ty liên kết.
Tuy nhiên bấy nhiêu đó vẫn là không đủ để bù đắp cho các loại chi phí: chi phí tài chính 882 tỷ đồng (giảm 23%), chi phí bán hàng 43 tỷ đồng (giảm 76%), chi phí quản lý 448 tỷ đồng, tăng 14%).
Kết quả là NVL lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 131 tỷ đồng, là quý lỗ thuần thứ 2 liên tiếp.
Phải nhờ đến khoản lãi khác 289 tỷ đồng – chủ yếu là tiền phạt vi phạm hợp đồng, NVL mới thoát được thua lỗ.
Kết quý II/2023, NVL báo lãi trước thuế 157 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, “bi kịch” của NVL là sau khi khấu trừ thuế, công ty đã chuyển từ lãi thành lỗ 201 tỷ đồng – đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp trong năm 2023 (quý I/2023: lỗ 410 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của NVL đạt 1.644 tỷ đồng, giảm 64%; lợi nhuận gộp đạt 622 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính 6 tháng đạt 1.686 tỷ đồng, giảm 33%, do không còn lãi thoái vốn từ công ty liên kết như năm trước và suy giảm lãi tiền cho vay, lãi tiền gửi. Trong khi đó, chi phí tài chính dù đã giảm 13% nhưng vẫn neo ở mức rất cao, đạt 1.795 tỷ đồng. Điều này cùng với khoản chi phí quản lý rất lớn (751 tỷ đồng) và chi phí bán hàng (80 tỷ đồng) khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 225 tỷ đồng.
Nhờ vào khoản lãi khác của quý II, NVL mới có lãi trước thuế 79 tỷ đồng (giảm 97%). Song khấu trừ thuế, công ty lại lỗ tới 611 tỷ đồng.
Năm 2023, NVL đặt mục tiêu doanh thu 9.531 tỷ đồng, lãi sau thuế 214 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, NVL đã hoàn thành 17,2% mục tiêu doanh thu và đi lùi so với vạch xuất phát hơn 600 tỷ đồng đối với mục tiêu lãi sau thuế.
Báo động chất lượng tài sản
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của NVL đạt 257.245 tỷ đồng, giảm 490 tỷ đồng so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất, 54%, đạt 139.009 tỷ đồng, giảm 4.054 tỷ đồng (tương đương giảm 3%). Cơ cấu hàng tồn kho có 127.798 tỷ đồng là bất động sản đang xây dựng; 11.102 tỷ đồng là bất động sản đã hoàn thành. NVL đã mang 59.386 tỷ đồng hàng tồn kho dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu, đạt 97.070 tỷ đồng, bằng 38% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 53.132 tỷ đồng, giảm 787 tỷ đồng (tương đương giảm 1,5%); các khoản phải thu dài hạn đạt 43.938 tỷ đồng, giảm 144 tỷ đồng (tương đương giảm 0,3%) so với đầu năm.
Như vậy, tổng tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu là 92% tổng tài sản – một con số cho thấy chất lượng tài sản của NVL đang ở mức báo động.
Về nguồn vốn, tại ngày 30/6/2023, nợ phải trả của NVL đạt 213.039 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, điểm tích cực là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng thêm 1.193 tỷ đồng (tăng 7,5%), đạt 17.155 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ vay đạt cũng đã giảm 3.290 tỷ đồng (tương đương giảm 5%) còn 61.578 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số nợ vay nói riêng, nợ phải trả nói chung của NVL vẫn là rất lớn so với quy mô vốn chủ. Tại ngày kết thúc quý II/2023, vốn chủ sở hữu của NVL là 44.206 tỷ đồng, giảm 611 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 4,81 lần, tăng nhẹ so với đầu năm là 4,75 lần. Đây là hệ số rất lớn, phản ánh mức độ lệ thuộc nặng nề của NVL vào vốn bên ngoài.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 6 tháng của NVL rất xấu khi âm 1.669 tỷ đồng, chủ yếu do chi trả lãi vay (2.042 tỷ đồng), tăng tồn kho (897 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (542 tỷ đồng).
Điểm đáng chú ý là tiền thu từ đi vay 6 tháng qua chỉ 514 tỷ đồng (giảm 97% so với cùng kỳ) và tiền trả nợ gốc vay là 3.992 tỷ đồng (giảm 69% so với cùng kỳ).
Lưu chuyển tiền thuần 6 tháng âm 4.564 tỷ đồng, khiến quy mô vốn bằng tiền của Novaland trong 6 tháng qua đã giảm hơn 50%, chỉ còn khoảng 4.000 tỷ đồng.
VietnamFinance
In bài viết