Những món nợ tín chấp hàng trăm tỷ đồng tại Bất động sản An Gia

Liên tiếp vay nợ khủng, Bất động sản An Gia đồng thời lại chính là chủ nợ của nhiều công ty về bất động sản có mối liên hệ với ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Những món nợ tín chấp hàng trăm tỷ đồng tại Bất động sản An Gia - Ảnh 1

CTCP Đầu tư và Phát Triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) vừa thông qua việc vay ngắn hạn 10 triệu USD tại The Shanghai Comercial & Savings Bank, Ltd. – Offshore Banking Branch (SCSB - OBB).

Để bảo lãnh cho khoản vay trên, cùng ngày BĐS An Gia cũng đã thông qua việc nhận cấp tín dụng điều chỉnh tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với hạn mức không vượt quá 290 tỷ đồng.

Trong đó tại chi nhánh Vietinbank 1, hạn mức không vượt quá 240 tỷ đồng, hình thức cấp là bằng thư tín dụng với thời hạn 380 ngày kể từ ngày phát hành.

Khoản vay được bảo đảm đầy đủ bằng tài sản thanh khoản cao và/hoặc bất động sản đủ điều kiện đảm bảo theo quy định của Vietinbank 1 và phù hợp với pháp luật hiện hành thuộc sở hữu của công ty, ông Nguyễn Văn Giáo, CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia và/hoặc các bên khác (nếu có).

Tại chi nhánh Vietinbank 11, hạn mức sẽ là 50 tỷ đồng, đã được phê duyệt và thực hiện theo quy định của HĐQT công ty ngày 15/7/2022.

Trước đó vào tháng 11/2022, công ty cũng đã tiến hành vay ngắn hạn 10 triệu USD từ SCSB – OBB và vay 10 triệu USD từ Ngân hàng The Shanghai Commercial & Savings Bank, Ltd. – Chi nhánh Đồng Nai (SCSB - Đồng Nai).

Tính tới ngày 31/12/2022, công ty kinh doanh bất động sản này đang có dư nợ 1.534 tỷ đồng, giảm 38% so với đầu năm, chủ yếu do giảm nợ trái phiếu và tất toán một số khoản vay ngân hàng đến hạn. Vay và nợ thuê tài chính ghi nhận ở mức 1.533 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty đã phải chi hơn 159 tỷ đồng cho khoản mục chi phí lãi vay.

Liên tiếp vay nợ “khủng” nhưng BĐS An Gia đồng thời lại là chủ nợ của hàng loạt doanh nghiệp. Theo BCTC kiểm toán hợp nhất, giai đoạn cuối năm 2022, công ty đang có tới 1.758 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và hơn 1.148 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.

Đây đều là các khoản cho vay tín chấp, chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư các dự án bất động sản của các công ty đi vay. Đa phần các khoản vay của BĐS An Gia đều dành cho các công ty bất động sản, xé lẻ mỗi doanh nghiệp vài trăm tỷ đồng.

“Con nợ” lớn nhất của BĐS An Gia là CTCP Phát triển nhà An Gia với hơn 1.501 tỷ đồng vay ngắn và dài hạn, xếp thứ hai là CTCP Bất động sản Gia Linh với hơn 773 tỷ đồng, tiếp đó là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đông Nam với 243 tỷ đồng cùng nhiều khoản vay nhỏ lẻ khác.

Những công ty đang vay nợ BĐS An Gia không phải là công ty con mà chỉ là công ty liên kết (do BĐS An Gia sở hữu rất ít cổ phần) hoặc công ty có cùng thành viên chủ chốt với doanh nghiệp. Hầu hết các khoản vay đều do liên quan đến việc hợp tác đầu tư tại nhiều dự án và công ty không công bố cụ thể mức lãi suất cho vay với các khoản mục này.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, CTCP Phát triển nhà An Gia thành lập ngày 23/9/2019 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Huy. Quy mô của công ty khá nhỏ chỉ có 3 người lao động; toạ lạc tại 30 Nguyễn Thị Diệu, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp.HCM – cùng địa chỉ với BĐS An Gia.

Tương tự, CTCP Bất động sản Gia Linh thành lập ngày 15/5/2018 cũng nằm tại địa chỉ 30 Nguyễn Thị Diệu, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp.HCM.

Người đứng đầu Gia Linh là bà Nguyễn Hương Giang, ngoài ra bà Giang còn là pháp nhân đại diện cho hàng loạt doanh nghiệp như: CTCP Đầu tư Thương mại và Phát triển An Tường (công ty con của BĐS An Gia, sở hữu 99% vốn), công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Gia Phú Thuận (công ty con của BĐS An Gia, sở hữu 100% vốn), CTCP Quản lý và Phát triển Gia Khánh (công ty con của BĐS An Gia, sở hữu 50,01% vốn),…

Với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đông Nam, đây là doanh nghiệp hoạt động từ ngày 17/10/2017. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Quý Cao, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, ông Cao hiện đang là đại diện pháp luật cho các doanh nghiệp liên quan mật thiết đến BĐS An Gia như CTCP Đầu tư Xây dựng Du lịch Phước Lộc (công ty con của BĐS An Gia, chiếm 99,96% vốn); Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Tấn Lộc (công ty con của BĐS An Gia, sở hữu 99% vốn).

Những món nợ tín chấp hàng trăm tỷ đồng tại Bất động sản An Gia - Ảnh 2

Về bức tranh tài chính, quyết định chi tiền tăng tỉ lệ sở hữu tại dự án The Sóng 12ha ở Vũng Tàu khiến An Gia báo lỗ đậm 103 tỷ đồng trong quý IV/2022 dù doanh thu tăng trưởng vượt bậc.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của An Gia đạt 6.188 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm sâu 77%. 

Năm 2022, An Gia đề ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 500 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện lần lượt 112,5% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ hoàn thành được 3,8% mục tiêu lợi nhuận đề ra trước đó.

Trong khi tích cực đi vay và cho vay, công ty lại ghi nhận nợ thuế tính đến ngày 31/12/2022 lên đến 461 tỷ đồng, bao gồm 266 tỷ đồng thuế TNDN và 193 tỷ đồng thuế GTGT.

Ngoài ra, công ty từng bị Cục thuế Tp.HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế vào hồi đầu năm 2023 vì có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp, đồng thời khai sai căn cứ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với những vi phạm trên, An Gia bị phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 61 triệu, đồng thời tiến hành truy thu thuế đối với An Gia số tiền hơn 305,5 triệu đồng  Ngoài ra, tiền chậm nộp tiền thuế tính đến ngày 30/12/2022 của doanh nghiệp là gần 14 triệu đồng.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục