NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền

Tuần qua, sự kiện ngân hàng có nhiều tin tức nổi bật như Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam thông báp lỗ ròng 11 tỷ đồng; NHNN yêu cầu rà soát lại hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng sợ khách rút tiền, đua nhau đẩy lãi suất tiền gửi lên kịch trần... ,

Lo khách rút tiền, ngân hàng bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất tiền gửi

Từ đầu tháng 7 tới nay, thị trường ghi nhận khá nhiều ngân hàng công bố quyết định tăng lãi suất huy động với mức tăng khá mạnh và chủ yếu ở kỳ hạn dài.

Mới đây, ngân hàng NamABank thông báo lãi suất gửi tại quầy ở kỳ hạn 25 tháng - 36 tháng cũng đồng loạt tăng mạnh 0,5 điểm % lên mức 7,9%/năm. Kỳ hạn 14 tháng - 23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4 điểm %/năm, lên đến 7,7-7,8%/năm.

Tương tự, ngân hàng ABBank cũng vừa có quyết định tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng lên 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7 và 0,8 điểm phần trăm so với mức lãi suất cũ.

Một ngân hàng khác là Eximbank cũng tiếp tục áp dụng biểu lãi suất mới từ 6/8, sau khi vừa có lần tăng lãi suất hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm tại quầy là 8,4%/năm, kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng thay vì 8%/năm như trước đây. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng vọt từ lên 6,8%/năm lên 7,9%/năm.

Ngân hàng VIB cũng mới đưa ra thông báo tăng lãi suất lên vượt mức kịch trần là 9,1%. Nếu khách gửi kỳ hạn sáu tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất là 8,6%/năm và 61 tháng có lãi suất là 9,1%/năm. Như vậy mức lãi suất này đã cao hơn các ngày trước là 0,7%.

NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Thậm chí, Viet Capital Bank cho biết vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất tạo điểm nóng mới trên thị trường khi lên tới 10,2%/năm đối với kỳ hạn 60 tháng. Đây là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay. 

Đại diện một số ngân hàng cho biết, trước “cuộc chiến” này, ngân hàng muốn đứng ngoài cuộc cũng không được vì khách sẽ rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp đem sang gửi ngân hàng có lãi suất cao. Để giữ chân khách, buộc các ngân hàng đành phải tăng lãi suất theo.

Theo ông Phạm Duy Hiếu - Quyền tổng giám đốc ABBANK, việc tăng lãi suất chính là muốn có thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu kinh doanh, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử đụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng sắp tới của Ngân hàng Nhà nước. Năm nay tỷ lệ này ở mức 40% nhưng trong năm tới có thể giảm xuống 35% và đến năm 2021 sẽ còn 30%.

Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, gây áp lực không nhỏ cho người vay, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Nhà máy In tiền Quốc gia lỗ 11 tỷ đồng chỉ là... tạm tính

Liên quan đến thông tin lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Nhà máy In tiền Quốc gia âm hơn 11,2 tỷ đồng. Phía ngân hàng Nhà nước cho biết, chắc chắn hoạt động của nhà máy không thể lỗ và khoản lỗ nửa đầu năm chỉ là tạm tính.

NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền - Ảnh 2
Biểu đồ: Việt Đức.

Ngày 17/8, nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam công bố báo cáo tài chính bán niên 2019 với kết quả lỗ ròng sau thuế. 6 tháng đầu năm, nhà máy In tiền Quốc gia đạt doanh thu thuần 907 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước 91 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ 67 tỷ, đạt mức 20 tỷ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của Nhà máy In tiền Quốc gia cũng thấp hơn cùng kỳ 7 tỷ, giảm còn 10 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhà máy In tiền Quốc gia lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 7 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 66 tỷ.

Kết sổ, nhà máy In tiền Quốc gia báo lỗ ròng 11 tỷ sau 6 tháng đầu năm. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp thu lợi nhuận sau thuế tới 60 tỷ.

Đến ngày 19/8, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Chắc chắn hoạt động của nhà máy không thể lỗ vì hằng năm đơn vị này làm việc theo kế hoạch đặt hàng trên nguyên tắc cân đối chi phí đầu vào đầu ra. Nguyên nhân giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái cần nhìn vào cơ cấu thu - chi.

Ngay sau khi báo chí đưa tin về con số trên, trang chủ Nhà máy In tiền Quốc gia có thông cáo báo chí về việc này.

NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền - Ảnh 3
Thông cáo báo chí Về kết quả hoạt động của Nhà máy In tiền Quốc gia. 

Theo Nhà máy In tiền Quốc gia, nhà máy hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do nhà nước 100% vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh duy nhất hiện nay là in, đúc tiền.

Nhà máy là doanh nghiệp công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không giao chỉ tiêu lợi nhuận. Số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy là hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo đúng kế hoạch do Thống đốc NHNN giao.

Đồng thời là đơn vị sản xuất cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, nhà máy thực hiện cơ chế quyết toán giá với Nhà nước. Theo đó, toàn bộ các chi phí sản xuất có liên quan được tập hợp, trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính duyệt quyết toán giá sau khi kết thúc năm tài chính.

Do đó, kết quả chênh lệch thu chi giữa kỳ chỉ là số liệu tạm tính, không thể hiện đầy đủ tình hình hoạt động của nhà máy. Hiện tại, nhà máy vẫn đang hoạt động ổn định, theo đúng mục tiêu, kế hoạch giao nộp sản phẩm được NHNN giao.

NHNN nước cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi tới các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao 13-14,5%/năm.

NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền - Ảnh 4
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang là nhóm có lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường, cá biệt một vài doanh nghiệp lên tới 14,5%/năm.

Cụ thể, qua công tác quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng đầu năm, NHNN cho biết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các NHTM nói chung còn tiềm ẩn rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.

Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, một số ngân hàng còn đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.

Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Theo NHNN, các NHTM phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

NHNN nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chủ yếu được mua bởi NHTM

Thời gian qua, các doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra năm nay 14%. Đáng chú ý, đối với các doanh nghiệp bất động sản đang "khát" vốn nên đã ồ ạt phát hành trái phiếu lãi suất cao. Nhưng điều đáng nói là số lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu được mua bởi các NHTM.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018. NHTM phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Với lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng mạnh trong nửa đầu năm nay phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, lãi suất 10- 14,5%/năm.

Chẳng hạn, Tập đoàn Đất Xanh (DXG), CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) hay CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) phát hành đều có lãi suất lên tới 12%/năm. Novaland phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua 2 đợt, mỗi đợt 200 tỷ đồng. Lãi suất đều xấp xỉ 11%. Mới đây nhất, CTCP phát triển Bất động sản Phát Đạt công bố kết quả 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong đợt phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 3/6-31/7, MBBank đã mua trọn toàn bộ.

Vietcombank muốn mua lại toà tháp trên lô đất hơn 1.100 m2 tại Hà Nội

Bộ Xây dựng cho biết, Vietcombank có thể mua lại dự án tại 11 Láng Hạ nhưng cần sử dụng đúng công năng đã được UBND Hà Nội phê duyệt hoặc xin điều chỉnh.

NHNN cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng lại đua tăng lãi suất tiền gửi vì lo khách rút tiền - Ảnh 5
Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có ý định mua công trình tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại địa điểm số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội làm trụ sở làm việc.

Đây là dự án có diện tích hơn 1.000m2 nằm giữa lòng Hà Nội. Trước đó, dự án này do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại làm chủ đầu tư và đã bị bỏ hoang hàng chục năm.

Ngày 12/7/2017, Vietcombank – chi nhánh Ba Đình đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng trị giá 250 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại để thực hiện dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại cao tầng tại số 11 Láng Hạ cao 20 tầng với 7 tầng khối đế, 13 tầng phần thân và 3 tầng hầm.

Theo một số chuyên gia, nếu Vietcombank muốn mua công trình tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại số 11 Láng Hạ thì không thể tiến hành mua theo hình thức chỉ định mà phải qua đấu giá. Nếu Vietcombank trả giá cao nhất thì họ được mua công trình này.

Thủ tục đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu Vietcombank thắng thì trong tổng số tiền phải trả sẽ được trừ đi phần đóng góp 250 tỷ đồng trước đó.

Bộ Xây dựng lưu ý, Vietcombank phải sử dụng đúng mục đích công năng của công trình này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư.

Trường hợp Vietcombank muốn thay đổi công năng từ tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại sang chỉ sử dụng làm văn phòng để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng tại công trình này thì phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận trước khi chuyển đổi công năng sử dụng và phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Về việc tính toán giá trị công trình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, đây vẫn là đất của Nhà nước. Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại ban đầu là thành viên của Tổng công ty Sông Hồng thuộc Bộ Xây dựng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của công ty này, ông Phạm Đình Mạnh, từng là cán bộ của Bộ Xây dựng và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục