Ngày 12/5/2015, các chiến hạm của Nhật Bản và Philippines mở cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển Đông. Cả hai cùng đang phải đối đầu với những tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc, RFI đưa tin.
Theo AFP, cuộc tập trận dài một ngày diễn ra cách Scarborough/Hoàng Nham, bãi cạn tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, chưa đầy 300 km. Đây là cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên giữa hai quốc gia thù địch trong Thế chiến II.
Hải quân Philippines trong lễ đón hai tàu khu trục Nhật Bản tại cảng Nam, Manila
Phát ngôn viên hải quân Philippines cho hay trong một nội dung diễn tập, trực thăng AW 109 sẽ cất cánh từ BRP Ramon Alcaraz, tàu khu trục nhỏ mà nước này mua của Mỹ năm 2012, đến một trong các tàu Nhật Bản, khi ba tàu gặp nhau trên biển.
Về mặt chính thức, cuộc tập trận hôm 12/5 là nhằm tăng cường khả năng quân sự của hai nước. Nhưng theo các nhà phân tích đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ gởi đến Bắc Kinh.
Theo nhận định của ông Michael Tkacik, một giáo sư đại học Stephen F. Austin, bang Texas -Hoa Kỳ, cuộc tập trận này cho thấy là các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á bắt đầu liên kết lại để chống Bắc Kinh. Trong thư điện tử gởi cho hãng tin AFP, vị giáo sư này nhắc lại, nhiều nước, kể cả Ấn Độ đều cảm thấy bị đe dọa bởi cách hành xử của Trung Quốc.
"Đầu tiên, nó chứng tỏ rằng các nước láng giềng Thái Bình Dương đang bắt đầu đối trọng với Trung Quốc", giáo sư Michael Tkacik nói. "Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, thậm chí cả nước xa xôi như Ấn Độ, bị các hành vi của Trung Quốc đe dọa. Do đó, Philippines và Nhật Bản đang cùng đưa ra một tuyên ngôn quan trọng về cách nhìn nhận nghiêm túc của họ trước những hành động của Trung Quốc".
Cuộc tập trận chung diễn ra sau khi vào tháng 01/2015, Nhật Bản và Philippines ký một hiệp định tăng cường hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Thật ra thì bản chất của cuộc tập trận này không có gì là đáng lo ngại đối với Trung Quốc, nhưng sự có mặt của các chiến hạm của Nhật ở Biển Đông cho thấy Tokyo ngày càng quan tâm đến khu vực này, nơi mà Trung Quốc đang gia tăng bồi đắp, mở rộng các đảo không phải của họ, gây lo ngại không chỉ các nước trong vùng, mà cả Hoa Kỳ.
Trước đó, trong tháng này, lực lượng tuần duyên Nhật Bản và Philppines cũng đã mở cuộc thao dượt chung về an toàn hàng hải. Tokyo cũng đã hứa sẽ cấp 10 chiếc tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Năm 2012, Trung Quốc giành quyền kiểm soát Scarborough/Hoàng Nham, một ngư trường dồi dào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cách đất liền gần nhất của Trung Quốc hơn 650 km. Từ đó, Trung Quốc điều các tàu tuần duyên bảo vệ bãi cạn và ngăn chặn ngư dân Philippines. Manila nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng Bắc Kinh phớt lờ.
Gần đây, Trung Quốc gây quan ngại khi có nhiều hành động cứng rắn nhằm tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Theo ông Tkacik, sự hiện diện của hải quân Nhật Bản trên Biển Đông để ủng hộ Philippines có thể khiến Trung Quốc tức giận và phản đối.
Trâm Anh (TH)