Bộ Giao Thông – Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Điểm đáng chú ý nhất trong phương án cổ phần hóa ACV đó là Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65% theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau cổ phần hóa công ty này.
Cụ thể ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị: “Căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế từng thời điểm, ACV sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vào thời điểm thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không thấp hơn 65% vốn điều lệ”.
Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn tại TCT Cảng hàng không Việt Nam?
Được biết trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của ACV, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, 20% sẽ được dành cho nhà đầu tư chiến lược và 5% sẽ thực hiện bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo đó ACV sẽ tiến hành bán đấu giá công khai 77.804.122 cổ phần lần đầu ra công chúng, với giá khởi điểm là 11.100 đồng/cổ phần.
Sau khi cổ phần hóa thành công dự tính quy mô vốn điều lệ của ACV sẽ thuộc loại lớn nhất cả nước, lên tới 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2,243 tỷ cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Với việc đề xuất giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại ACV xuống không thấp hơn 65%, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sức hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn vào loại bậc nhất trong ngành GTVT sẽ tăng đáng kể.
Việc cổ phần hóa tổng công ty này thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bởi hiện công ty này đang nắm giữ trong tay “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến ACV sẽ là một cái tên “đình đám” trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước bán vốn năm 2015.
ACV được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở sáp nhập 3 Tổng công ty Cảng hàng không: miền Bắc, miền Nam, miền Trung, ACV hiện đang là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Kết thúc năm 2014, doanh thu của ACV đạt 9.090 tỷ đồng, bằng 112,7% kế hoạch đề ra. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 1.693,4 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch.
Trong năm qua, Tổng công ty này cũng đã IPO thành công 2 công ty con lớn nhất là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả, cả hai doanh nghiệp này đều lập kỷ lục về sự quan tâm của các nhà đầu tư tới phần vốn nhà nước bán ra. Kỷ lục nhất là tại SAGS với số lượng đặt mua gấp 15 lần số lượng chào bán và giá trúng đấu giá gấp 3,6 lần giá khởi điểm.
Anh Quân (TH theo Báo Đầu tư; VnExpress; TBKTSGO)