Nhà báo Trần Thanh Phương và triển lãm tài liệu báo chí

(KDPL) - Sáng ngày 07/3/2017 đông đảo đồng nghiệp, người hâm mộ đã được tận mắt chứng kiến “tài sản” của nhà báo Trần Thanh Phương- cựu P.Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết và vợ là bà Phan Thu Hương tại buổi triển lãm tài liệu báo chí, tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, số 69 Lý Tự Trọng, quận 1.

Đến với triển lãm của nhà báo Trần Thanh Phương, PV nhận thấy có sự hiện diện của ông Nguyễn Bé- P.Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh- nguyên P.Giám đốc Sở Văn hóa Du lịch TT TP.HCM, ông Nguyễn Hồ- nguyên P.Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), ông Nguyễn Chiến- TBT Báo Cà Mau,… Dù sức khỏe yếu, phải ngồi trên xe lăn nhưng nhà báo Trần Thanh Phương luôn tươi cười, tay bắt mặt mừng khi gặp lại đồng nghiệp, người thân, người hâm mộ,…

Nhà báo Trần Thanh Phương và triển lãm tài liệu báo chí - Ảnh 1
Người xem đến triển lãm của nhà báo Trần Thanh Phương

 

Là một trong những nhà báo hiếm hoi của làng báo nước ta, viết và xuất bản tác phẩm đều tay, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, như: San hô đỏ (NXB Phổ thông, năm 1975), Quán Phương Đông (NXB Phụ Nữ năm 1980), Những người còn sống mãi (NXB Văn nghệ TP.HCM năm 1980), Những trang về An Giang (NXB An Giang năm 1984), Minh Hải địa chí (NXB Mũi Cà Mau năm 1985), Xứ sở phù sa (NXB Mũi Cà Mau năm 1986), Bác Tôn của chúng ta (NXB An Giang năm 1988), Bác Hồ của chúng ta (NXB Mũi Cà Mau năm 1989), Một người cùng thời với Lý Tự Trọng (NXB Cửu Long năm 1989), Sài Gòn tầng cao- Sài Gòn tầng thấp (NXB Thanh Niên năm 2000), Trịnh Công Sơn- người hát rong qua các thời kỳ (NXB Trẻ năm 2001), Về nhà mình xa quá, Má ơi! (NXB Văn nghệ TP.HCM năm 2006),…

Nhà báo Trần Thanh Phương và triển lãm tài liệu báo chí - Ảnh 2

Nhà báo, PV đến từ báo Đại Đoàn Kết, Kinh Doanh và Pháp Luật, Doanh Nhân Sài Gòn,… chụp ảnh cùng nhà báo Trần Thanh Phương

Đáng chú ý trong đó là 02 tập sách “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam”, do NXB Giáo Dục ấn hành năm 2008 và năm 2010. Với “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam”- Tập 1, mỗi nhà văn được ông chia thành 6 phần, cụ thể: Vài nét tiểu sử văn học; Những tác phẩm đã xuất bản, Đoạn thơ (văn) tâm đắc; Lời nhận xét của đồng nghiệp; Chân dung và bút tích. Nhưng điều khiến người xem tâm đắc nhất vẫn là chân dung và bút tích của các nhà văn. Vì những phần khác có thể tìm được ở những cuốn sách khác, thậm chí có thể tìm dễ dàng trên internet. Riêng bút tích và chân dung phải tìm gặp tác giả mới có được, bởi nhà văn lâu nay thường âm thầm góp mặt với đời bằng tác phẩm chứ có mấy khi lộ diện như ca sĩ, diễn viên... để thiên hạ chụp hình và xin chữ ký. Nhà báo Trần Thanh Phương cho biết: “Bút tích các nhà văn được in thành sách tập một, tôi và vợ tôi (nhà báo Phan Thu Hương góp sức cùng chồng trong việc sưu tập- PV) được gần 20 triệu đồng nhuận bút, phân nửa nhuận bút dành mua sách tặng bạn bè. Nói thế để thấy tôi làm việc vì yêu thích…”.

Nhắc lại việc sưu tập các bài báo, nay được xem là “tư liệu sống”cho các thế hệ sinh viên báo chí về sau, nhà báo Trần Thanh Phương bộc bạch: “Tôi nhớ mãi vào cuối năm 1968, tôi có bài báo đầu tiên trong đời viết về thiếu niên Nguyễn Văn Hòa quê ở Thừa Thiên- Huế mới 15 tuổi đã “hai lần dũng sĩ” in trên báo Nhân Dân. Báo phát hành, tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm hạnh phúc chỉ kéo dài được vài tiếng đồng hồ thì nhà báo Trần Kiên - thủ trưởng trực tiếp của tôi lúc đó kêu lên hỏi: “Cậu lấy tài liệu ở đâu để viết bài “15 tuổi hai lần dũng sĩ” đăng số báo hôm nay? Đồng chí Tố Hữu vừa gọi điện cho Tổng Biên tập Hoàng Tùng, cần gặp tác giả bài báo. Cậu gặp anh Hoàng Tùng báo cáo thật kỹ nhé”. Tôi hoảng quá, vì nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, nhà báo Hoàng Tùng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân từ năm 1951, còn tôi chỉ vừa tốt nghiệp đại học.Nhưng nỗi lo bỗng nhẹ nhàng khi nhà báo Hoàng Tùng thông báo: “Đồng chí Tố Hữu muốn gặp nhân vật trong bài viết của Phương vì thấy nhân vật thú vị và là đồng hương của nhà thơ… Từ chuyện bài báo đầu đời “bị” các sếp hỏi “lấy tư liệu ở đâu”, nên tôi có ý thức trong việc sưu tầm tài liệu, lâu ngày thành niềm đam mê”. 

Nhà báo Trần Thanh Phương và triển lãm tài liệu báo chí - Ảnh 3
Ông Bùi Xuân Đức 

 

Với những gì đã gây dựng được, nhà Trần Thanh Phương và vợ là nhà báo Phan Thu Hương đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận 03 kỷ lục Việt Nam, đó là: Sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam; Người sưu tập Chân dung và bút tích các nhà văn nhiều nhất và nhà báo Trần Thanh Phương được xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”… Và hơn hết, nhà báo Trần Thanh Phương và vợ đã quyết định trao tặng lại toàn bộ “tài sản” kể trên cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Thật đáng trân trọng tấm long của nhà báo Trần Thanh Phương và vợ là nhà báo Phan Thu Hương.

 

Ô.Bùi Xuân Đức- Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi cuộc triển lãm được bạn đọc đón nhận và cổ vũ. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm theo hình thức tương tự, quảng bá rộng rãi nhiều hơn về 02 tập sách “Chân dung và bút ký của các nhà văn” của nhà báo Trần Thanh Phương…”. 


 

Trương Vĩnh - Anh Duy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục