Người dùng iPhone Việt Nam ngỡ ngàng do máy bị từ chối bảo hành không có lý do cụ thể

Nhiều người dùng tại Việt Nam cho rằng dù máy vẫn trong thời hạn và đáp ứng các điều kiện bảo hành nhưng vẫn bị Apple Việt Nam từ chối tiếp nhận mà không đưa ra lời giải thích cụ thể.


Theo Tri thức trực tuyến, gần đây nhiều người dùng iPhone tại Việt Nam phản ánh tình trạng bị Apple từ chối bảo hành thiết bị, lý do được đưa ra là "sản phẩm đã bị sửa đổi trái phép". Tuy nhiên, trên biên bản từ chối bảo hành, Apple không nêu rõ máy đã bị sửa đổi hay thay thế linh kiện nào.

Bên cạnh đó, những người dùng trên khẳng định không đem thiết bị đi sửa chữa hay thay thế linh kiện ở các cửa hàng không được Apple ủy quyền và cho rằng hãng đang từ chối bảo hành "một cách vô lý".

"Máy được mua chính hãng và đang còn thời hạn bảo hành thì việc gì tôi lại đem đi sửa ở ngoài khi gặp lỗi để mất quyền lợi. Máy mua nguyên niêm phong mà Apple bảo đã bị sửa đổi là quá vô lý", anh Trung Đức (quận 7, TP.HCM) chia sẻ.

Tương tự, chị Thu Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, tháng 8/2022, chị đã mua chiếc iPhone 13 Pro Max tại một cửa hàng bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR). Tháng 4/2023, chiếc máy này gặp lỗi không lên nguồn và mất tín hiệu nên chị đã đưa máy tới nơi mua để yêu cầu bảo hành. Sau hơn 2 tuần chờ đợi, chị được cửa hàng thông báo Apple từ chối bảo hành máy vì thiết bị đã bị can thiệp.

Chị Hiền bức xúc và khẳng định bản thân không sử dụng các dịch vụ bảo hành, sửa chữa của bên thứ 3 kể từ khi mua máy. Chiếc iPhone 13 Pro Max cũng không hề bị rơi hay vào nước trong quá trình sử dụng.

“Cửa hàng có đề nghị gửi máy sang trung tâm bảo hành của bên thứ 3 và nói rằng sẽ hỗ trợ phí sửa chữa nhưng tôi chưa chấp nhận", chị Hiền cho biết.

Lượng iPhone bị Apple từ chối bảo hành có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Lượng iPhone bị Apple từ chối bảo hành có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Đại diện một trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple (AASP) tại Việt Nam tiết lộ với Zing trong giai đoạn cuối 2022 và đầu 2023, số lượng iPhone bị Apple từ chối bảo hành có xu hướng tăng. Các trường hợp bị từ chối đa phần là iPhone 11 và iPhone 13 Pro Max.

Đại diện các AAR ở Việt Nam cho biết họ không có quyền quyết định việc từ chối bảo hành sản phẩm, tất cả đều phải thông qua quy trình của Apple.

Các AAR ở Việt Nam chỉ đóng vai trò trung gian phân phối sản phẩm của nhà sản xuất tới tay người dùng. Trách nhiệm bảo hành là của Apple, nhà bán lẻ không được quyền tác động vào sản phẩm, thông tin trên Tri thức trực tuyến.

Cụ thể, theo quy định của hãng, sau khi AASP tiếp nhận máy từ các chuỗi bán lẻ hoặc người dùng sẽ thực hiện chẩn đoán về chi tiết lỗi. Tiếp đó, AASP sẽ kiểm tra hệ thống nhằm xác định máy có được bảo hành trực tiếp tại trung tâm hay phải chuyển đến Apple Việt Nam kiểm tra chuyên sâu vấn đề trên mainboard, sườn máy hay mã định danh của các linh kiện bên trong máy.

"Việc bảo hành ở đâu sẽ được hệ thống của Apple chỉ định, AASP phải tuân theo. Phía AASP chỉ được từ chối khi có bằng chứng bằng hình ảnh việc thiết bị có tình trạng vào nước, cấn móp hoặc các dấu hiệu can thiệp trái phép mà mắt thường có thể nhìn thấy", đại diện một AASP tại Việt Nam chia sẻ.

Khi xảy ra tình trạng máy bị từ chối bảo hành các nhà bán lẻ và khách hàng sẽ phải khiếu nại qua tổng đài của Apple để được kiểm tra lại. Dù vậy tỷ lệ thiết bị được bảo hành thành công lại ở lần 2, thậm chí là lần 3 chỉ chiếm khoảng 10 - 20%.

Về quyết định từ chối bảo hành không giải thích rõ, thông tin trên báo Thanh niên, một nguồn tin từ ASP cho rằng Apple có lý do riêng. "Trước đây tỷ lệ bảo hành iPhone ở Việt Nam có những tháng lên đến 30 - 40%, tính tổng số máy bảo hành trên thị trường (cả xách tay và chính hãng) khiến Apple Việt Nam phải cập nhật liên tục các quy trình nhằm tránh tình trạng gian lận. Vì vậy khi từ chối vì lý do can thiệp, Apple không nói rõ để tránh các bên chuyên gian lận biết được quy trình và điều chỉnh để tiếp tục hành vi", người này nhận định.

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục