Ngân hàng Việt chưa đủ sức thống lĩnh thị trường

"Việt Nam hiện chưa có ngân hàng nào đủ sức thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên trong tương lai sẽ có 3 - 4 ngân hàng lớn như vậy, còn các ngân hàng nhỏ khác sẽ phải chịu cảnh mua bán sáp nhập, hoặc chuyển sang tập trung vào một dịch vụ chuyên biệt hơn", ông Pogson nhận định.

Vào buổi công bố khảo sát toàn cầu về Ngân hàng bán lẻ 2014 chiều 21/5, ông Keith Pogson cho rằng, ngân hàng bán lẻ Việt Nam hiện đông nhưng yếu, đầu tư dàn trải và hạn hẹp về dịch vụ.

Trong vòng vài năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã định hướng phát triển theo hướng mới đó là đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Hàng loạt các ngân hàng như SHB, Techcombank, Vietcombank, VIB, ... đều thông báo tăng trưởng về lợi nhuận trong mảng bán lẻ và tất cả đều khẳng định sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ này. Với Vietcombank, VietinBank - huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%...

Một điểm yếu phổ biến và nổi bật của các NHTM Việt Nam là sự đơn điệu trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu của các NHTM vẫn dựa chủ yếu từ cho vay trong khi hoạt động cho vay là một lĩnh vực nhiều rủi ro. Đối với thị trường thẻ - một lĩnh vực được đánh giá là có bước phát triển vượt bậc thời gian qua nhưng vẫn mang tính rời rạc do có sự khác biệt trong quan điểm giữa các NHTM, các liên minh. Phạm vi phát hành và sử dụng thẻ mới chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn; đối tượng sử dụng thẻ chủ yếu tập trung vào tầng lớp đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và mới đây là đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.

Thực tiễn, việc ứng dụng các công nghệ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, mặt bằng trình độ công nghệ của các ngân hàng hiện nay vẫn còn ở mức thấp, khoảng chênh lệch trình độ công nghệ giữa các ngân hàng khá xa dẫn đến hai tình trạng trái ngược nhau: hoặc là chỉ có thể ứng dụng công nghệ ở mức độ thấp do hạn chế về vốn hoặc lại chưa khai thác sử dụng hết tính năng công nghệ hiện đại do một số quy trình, chuẩn mực nghiệp vụ chưa được ban hành đầy đủ. Chính điều này cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng khó kết nối được lại với nhau.

Hiện nay, tại các ngân hàng, việc quản lí rủi ro còn nhiều bất cập. Các dịch vụ ngắn hạn (DVNH) hiện đại được sử dụng ngày càng nhiều là một dấu hiệu khả quan, là thành công của ngân hàng, song cũng là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng khi chưa có khả năng quản lý rủi ro có hiệu quả, chưa có đủ các biện pháp phòng chống gian lận, bảo mật, an toàn tốt thì có khả năng rủi ro xảy ra cho ngân hàng.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, chất lượng ATM và các dịch vụ tại một số nhà băng vẫn được xem là chưa tương xứng với mức phí hiện nay. Điều này khiến khách hàng tại Việt Nam dễ dàng thay đổi dịch vụ sang một ngân hàng khác, miễn là ngân hàng đó đưa ra ưu đãi về dịch vụ và giá/phí.

Ngân hàng Việt chưa đủ sức thống lĩnh thị trường - Ảnh 1
Lãnh đạo Ernst & Young công bố nghiên cứu về ngân hàng bán lẻ châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam chiều 21/5.

Những yếu tố giúp ngân hàng thành công trong lĩnh vực bán lẻ được vị chuyên gia này chỉ ra là các ngân hàng phải có được niềm tin từ khách hàng, phải làm cho các dịch vụ ngân hàng trở nên thuận tiện, và làm cho việc giao dịch với ngân hàng trở nên đơn giản, dễ dàng. Ngân hàng phải hiểu khách hàng của mình là ai, xây dựng được giá trị khác biệt mà mình muốn đem lại cho khách hàng và nền tảng công nghệ để thực hiện được điều đó.

"Việt Nam hiện chưa có ngân hàng nào đủ sức thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên trong tương lai sẽ có 3 - 4 ngân hàng lớn như vậy, còn các ngân hàng nhỏ khác sẽ phải chịu cảnh mua bán sáp nhập, hoặc chuyển sang tập trung vào một dịch vụ chuyên biệt hơn", ông Pogson nhận định.

Theo như lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2014 sẽ tiếp tục xử lý thêm 6-7 ngân hàng yếu kém. Như vậy, dù lý do “yếu kém” không được chính thức công bố trong các đề án sáp nhập nhưng trong nhiều trường hợp được ngầm hiểu là việc sáp nhập là một con đường không thể tránh khỏi đối với nhiều ngân hàng và nó phù hợp với chủ trương của NHNN trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cũng là con đường tất yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Mặc dù nền kinh tế vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng ổn định, sự hồi phục kinh tế toàn cầu đã mang lại tác động tích cực tới niềm tin của khách hàng bán lẻ với các ngân hàng. Cơ sở niềm tin tăng lên tại các ngân hàng là nhờ nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ mà các ngân hàng đang cung cấp, từ việc cung cấp những gì mình đang có, các ngân hàng đã chuyển sang cung cấp những gì khách hàng cần.

Khách hàng bán lẻ tại Việt Nam cũng có độ cởi mở cao với các sản phẩm dịch vụ mới từ các ngân hàng. Đây được xem là cơ hội rất lớn với các ngân hàng, đòi hỏi đầu tư để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Mạng xã hội hay từ các hình thức khác qua Internet là một nguồn thông tin mới mà khách hàng ngày nay sử dụng để tìm kiếm thông tin về ngân hàng, bên cạnh những hình thức thông tin khác mà ngân hàng có thể kiểm soát như website...  Tuy nhiên, dữ liệu và công nghệ là những khoản đầu tư rất đắt đỏ, và trong dài hạn, sẽ chỉ có những ngân hàng lớn với tiềm lực tài chính hùng hậu mới đủ sức tham gia cuộc đua này. Với những ngân hàng nhỏ, hoặc là họ sẽ phải chịu cảnh sáp nhập với nhau, hoặc là phải tự đi tìm thị trường ngách cho riêng mình"

Mặc dù vậy, ông cũng cho biết, tương lai này vẫn còn khá xa. Hiện tại, thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam vẫn còn rất màu mỡ với 75% dân số hiện chưa có tài khoản ngân hàng. "Điều quan trọng là các ngân hàng hiện vẫn đang có cơ hội ngang nhau trong cuộc đua này", Pogson nói.

Diệu Hoa (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục