Ngân hàng hạ thấp lợi nhuận, tín dụng tăng chậm và nỗi lo nợ xấu

Hàng loạt ngân hàng vừa hé lộ kế hoạch tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên và đưa ra mục tiêu kinh doanh năm 2023 để trình cổ đông. Điểm chung là kế hoạch đặt ra có phần giảm tốc so với mức thực hiện năm 2022.

Đồng loạt hạ mục tiêu lợi nhuận

Vietcombank đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Quy đổi theo tỷ giá USD hiện tại, mức lợi nhuận này tương ứng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nhìn vào năm 2022 vừa rồi khi mà ngân hàng này lãi kỷ lục 37.359 tỷ đồng thì con số tăng trưởng 12% năm nay chỉ bằng 1/3 mức thực hiện năm liền trước.

Eximbank thông tin, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35%. Dù kỳ vọng tăng trưởng ở mức 2 chữ số, nhưng thực tế, mục tiêu tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với kết quả đã đạt được trong năm vừa qua. Năm 2022, Eximbank lãi trước thuế 3.709 tỷ đồng, tăng 207% so với năm liền trước.

Ngân hàng hạ thấp lợi nhuận, tín dụng tăng chậm và nỗi lo nợ xấu.
Ngân hàng hạ thấp lợi nhuận, tín dụng tăng chậm và nỗi lo nợ xấu.

NamABank cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng so với năm ngoái, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 kỳ vọng đạt 2.400 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với năm trước. Trước đó, năm 2022, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm tăng tới 25% so với năm 2021, ở mức 2.250 tỷ đồng.

VIB cũng hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, từ mức 32% năm 2022 xuống 15% năm nay, tương đương mức lãi trước thuế kế hoạch 12.200 tỷ đồng.

Tín dụng khựng lại và nỗi lo nợ xấu 

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2/2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về tín dụng tăng chậm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra một số lý do như: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm.

Đại diện NHNN cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng ở mức 1,92%. Nhưng theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 4/2022 của 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), nợ xấu có chiều hướng tăng.

Dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của LienVietPostBank tăng từ mức 1,37% lên 1,46%. Còn với TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,84%. Thậm chí, có ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% khi kết thúc năm 2022... NCB là ngân hàng tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) trên tổng dư nợ cao.

Là một trong những ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần tỷ USD năm qua, song VPBank vẫn khó tránh nợ xấu hợp nhất (gồm công ty con trực thuộc Fe Credit) duy trì ở mức cao  4,73% tại cuối 2022. Nhưng theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của VPBank, tách bạch nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng mẹ chỉ 2,19%. Nợ nhóm 4 (nghi ngờ) và 5 (có khả năng mất vốn) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ năm 2022 ở mức 3% nữa là VietBank với tỷ lệ 3,65%. Dù nhờ tổng dư nợ tăng cao nên tỷ lệ năm 2022 đi ngang so với năm 2021, nhưng xét về số dư thì cũng đã tăng 26%.

Được biết, từ ngày 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm thêm 0,2 - 0,5% lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. 

Các động thái của NHNN gần đây cho thấy, cơ quan này vẫn hết sức thận trọng với tỷ giá, nhất là khi USD đang tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN vẫn phải tăng mua vào ngoại tệ dự trữ sau khi đã bơm ra lượng lớn để can thiệp thị trường năm 2022. Theo ước tính của một số công ty chứng khoán, trong tháng 2/2023, NHNN mua vào 3,6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 9,3 tỷ USD.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, thị trường tài chính thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chưa dừng lại. Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, bởi NHNN vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. 

Hiện lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.

Riêng với tín dụng bất động sản, để khai thông, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước hết, phải gỡ vướng về pháp lý, vì 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là do pháp lý. Một khi pháp lý được tháo gỡ, ngân hàng mới có thể giải ngân.

Hoàng Nhung (t/h)

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục