Như vậy là sau một thời gian bị phanh phui sự thật, CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) đã đóng thuế, treo biển hiệu và hoạt động trở lại.
Nhưng có một chi tiết hẳn vẫn còn đọng lại với không ít các nhà đầu tư, đó là công ty này đã tăng vốn lên gấp 31 lần chỉ sau 3 năm, từ mức 10 tỷ đồng thời điểm ngày 31/01/2012 lên mức 310 tỷ đồng thời điểm ngày 31/10/2014. Vậy mục đích của việc tăng vốn “khủng” và niêm yết trên UPCoM của MTM là gì?
Từ bỏ mảng khai khoáng cốt lõi
Thoạt nhiên khi nhìn vào tên công ty và lịch sử kinh doanh của MTM, đa số các nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng, hoạt động tăng vốn và niêm yết của MTM là nhằm phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác, mua bán và chế biến khoáng sản – mảng kinh doanh cốt lõi của MTM từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không phải vậy!
Theo thông tin tóm tắt doanh nghiệp mà MTM gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì hoạt động kinh doanh chính của công ty này bao gồm: hoạt động thương mại quặng sắt & đá hạt và hoạt động khai thác & chế biến quặng chì quặng kẽm. Trong đó, hoạt động khai thác & chế biến quặng chì, quặng kẽm đang tạm thời dừng lại do giấy phép đã hết hạn và MTM cũng đang muốn tái cơ cấu mảng hoạt động kinh doanh này.

MTM đang rút lui khỏi ngành khai khoáng. Ảnh: Cafef
Cũng theo báo cáo tóm tắt doanh nghiệp mà MTM gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp này cũng trình bày định hướng kinh doanh trong những năm tiếp theo là: “Đối với hoạt động kinh doanh liên quan đến khoáng sản, doanh nghiệp tiếp tục duy trì các hợp đồng hiện có nếu thực hiện có lãi, không mở rộng việc phát triển thị trường. Riêng việc khai thác khoáng sản, doanh nghiệp tạm thời không triển khai xin gia hạn quyền khai thác mỏ”. Như vậy, ý đồ rút chân khỏi mảng kinh doanh khai khoáng cốt lõi của MTM đã rất rõ ràng.
Một chi tiết nữa chứng minh MTM đang rút chân khỏi ngành khai khoáng là công ty này đang có kế hoạch rút 100% vốn với giá trị rút vốn lên đến 120 tỷ đồng khỏi dự án đầu tư khai thác mỏ chì kẽm đa kim Sáo Sào thuộc thị trấn Nà Phặc và xã Thương Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Dự án này được MTM liên kết với Tổng Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Bắc Kạn với tỷ lệ góp vốn của MTM là 80%.
Thực chất là kinh doanh bất động sản
Rút chân khỏi mảng kinh doanh cốt lõi, MTM đang thực sự muốn kinh doanh gì? Câu trả lời là kinh doanh bất động sản.
Định hướng trong những năm tới của MTM là tập trung thực hiện dự án trung tâm thương mại và nhà ở thương mại có tên Prosperity Land tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dự án này được MTM góp vốn thực hiện với Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Việt Nam Prosperity với tỷ lệ 50/50. Theo hợp đồng hợp tác giữa CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam Prosperity thì MTM phải góp tổng cộng 525.946.000.000 đồng.

Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án bất động sản Prosperity Land giữa MTM và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Nam Prosperity. Ảnh: MTM
Cũng theo hợp đồng này thì doanh thu dự kiến của dự án 1.696 tỷ đồng, kỳ vọng đem về 438 tỷ đồng thu nhập sau thuế.

Hiệu quả dự kiến của dự án Prosperity Land. Ảnh: MTM
Thêm một chi tiết cho thấy MTM đang chuyển hẳn sang kinh doanh bất động sản. Đó là ngoài việc đóng vai trò là nhà đầu tư góp 50% vốn phát triển dự án Prosperity Land và hưởng 50% lợi nhuận từ dự án này, MTM còn là nhà phân phối độc quyền các căn hộ thuộc dự án nói trên với mức chiết khẩu là 10% trên giá trị căn hộ bán được. Giá trị của hợp đồng nguyên tắc phân phối nhà này là 100 tỷ đồng.
Giờ đây, trước mắt các nhà đầu tư, CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) mang danh là công ty khoáng sản với nhiều năm kinh nghiệm nhưng thực chất lại là công ty bất động sản mới toanh.
Kình Dương