Xuất hiện nhiều thủ đoạn mạo danh ngân hàng chiếm đoạt tiền mới
Trước tình trạng các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều ngân hàng đã liên tục phát đi cảnh báo đến khách hàng nhằm nâng cao cảnh giác và bảo vệ tài khoản cá nhân trước các rủi ro mất tiền oan.
Ngày 24/7, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát đi thông báo cảnh báo thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn thông báo điểm thưởng sắp hết hạn, kèm theo đường link giả mạo như vietcomm.top, viettcad.top...
Nếu khách hàng truy cập vào các đường link giả mạo này và thực hiện theo hướng dẫn để “đổi quà” hoặc “nhận hoàn tiền”, họ sẽ bị điều hướng đến website giả mạo của Vietcombank. Tại đây, nếu nhập thông tin cá nhân, số thẻ, mã OTP, kẻ gian có thể đánh cắp dữ liệu, liên kết thiết bị để rút tiền từ tài khoản.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa cảnh báo thủ đoạn lừa đặt phòng khách sạn trong mùa du lịch. Lợi dụng tâm lý tiết kiệm trong mùa du lịch, kẻ gian lập fanpage giả mạo có tích xanh, sử dụng tên, logo, hình ảnh giống với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng và homestay; giả danh nhân viên công ty du lịch để tung ra các gói combo du lịch, combo phòng khách sạn với mức giá ưu đãi.
Một thủ đoạn khác là nắm bắt thói quen mua sắm qua mạng, đối tượng giả danh nhân viên giao hàng liên hệ giao hàng và yêu cầu thanh toán đơn hàng vào số tài khoản được cung cấp.
Sau khi tiếp cận, lấy được niềm tin từ nạn nhân, kẻ gian liên tục gọi điện thúc giục nạn nhân chuyển tiền hoặc truy cập vào link để giữ giá ưu đãi. Các link thường chứa mã độc nhằm chiếm quyền sử dụng thiết bị, lấy thông tin bảo mật liên quan đến dịch vụ ngân hàng, chiếm đoạt tiền.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng mới phát đi cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến diễn ra trong tháng 7.
MB cho biết, chỉ qua những cuộc điện thoại cùng kịch bản bài bản, tinh vi, các đối tượng lừa đảo có thể dẫn dụ nạn nhân cung cấp các thông tin bảo mật, hoặc tải xuống mã độc, từ đó truy cập và rút tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện thử, tài khoản chứng khoán,...
Theo đó, lợi dụng việc sắp xếp đơn vị hành chính, các đối tượng lừa đảo giả mạo cán bộ công an hoặc lực lượng chức năng tại địa phương, gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân với lý do "hướng dẫn cập nhật thông tin cư trú do thay đổi địa chỉ hành chính", sau đó, gửi đường link giả mạo hoặc hướng dẫn cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Khi người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử theo hướng dẫn, thiết bị di động có thể bị cài mã độc và chiếm quyền kiểm soát. Từ đây, chúng đánh cắp dữ liệu cá nhân, mã OTP hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí cả tài khoản chứng khoán của người bị hại.
Một thủ đoạn nữa là đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng, thông báo về các khoản phí thường niên hoặc phát sinh bất thường trên thẻ tín dụng, kèm cảnh báo thẻ sẽ bị tạm khóa trong 24 giờ nếu không xử lý ngay.
Lợi dụng tâm lý hoang mang, chúng gửi các đường link giả mạo có giao diện giống website ngân hàng, yêu cầu khách hàng đăng nhập thông tin cá nhân và thông tin thẻ để xử lý. Ngay sau khi nạn nhân cung cấp thông tin, các đối tượng sẽ nhanh chóng chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc thực hiện giao dịch trái phép.
Thủ đoạn lừa đảo nữa là kẻ gian giả mạo nhân viên các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VNPay… để yêu cầu "xác thực thông tin", từ đó dụ khách hàng cung cấp tài khoản và mã OTP.
Bên cạnh đó, kẻ gian còn tạo ra các thông báo trúng thưởng giả, yêu cầu người dùng nhấn vào link, quét mã QR hoặc chuyển khoản để nhận quà. Một số đối tượng còn giả danh công an hoặc nhân viên kỹ thuật, cảnh báo "ví bị xâm nhập" và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật nhằm chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản.
Ngành ngân hàng gia tăng biện pháp ngăn chặn lừa đảo
Ngành ngân hàng đang triển khai các biện pháp công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro lừa đảo.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thu thập hơn 350.000 tài khoản nghi ngờ lừa đảo từ các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng. Kho dữ liệu này sẽ được chia sẻ lại cho các ngân hàng theo cơ chế "cùng gửi, cùng nhận". Đây được xem là một bước quan trọng trong việc hình thành hệ thống phòng ngừa và phát hiện rủi ro tập trung trong toàn ngành ngân hàng.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, tất cả ngân hàng thuơng mại và tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam sẽ tích hợp tính năng cảnh báo vào ứng dụng chuyển tiền, đồng thời kết nối dữ liệu với Trung tâm Phòng chống gian lận tài chính (Anti-Fraud Hub) của NHNN.
Một số ngân hàng đã tích hợp tính năng cho phép người dùng bấm vào để xem lý do cảnh báo hoặc liên hệ tổng đài xác minh.
Tháng 4, BIDV là ngân hàng đầu tiên được NHNN thí điểm triển khai thử nghiệm tính năng cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận dựa trên dữ liệu do Trung tâm Anti-Fraud Hub và Bộ Công an cung cấp. Kết quả từ BIDV cho thấy, chỉ sau hơn một tháng vận hành, toàn hệ thống ngân hàng này đã ghi nhận hơn 40.000 giao dịch đáng ngờ, với tổng giá trị khoảng 160 tỷ đồng. Đáng chú ý là hơn 100 tỷ đồng trong số đó đã được khách hàng chủ động hủy chuyển sau khi nhận cảnh báo.
Vietcombank cũng đã triển khai tính năng này kể từ ngày 30/6. Ngày 4/7, VietinBank triển khai trên VietinBank iPay. Ngân hàng MB, sau thời gian thử nghiệm hiệu quả, sẽ chính thức triển khai từ ngày 14/7.
Agribank cũng vừa tích hợp công cụ cảnh báo tài khoản đáng ngờ ngay trong nền tảng Agribank Plus.
Một số ngân hàng khác như ACB, Techcombank, Sacombank, MSB… cũng đang gấp rút nâng cấp hệ thống, dự kiến sẽ triển khai trong quý III và IV năm nay
Như vậy, với việc triển khai tính năng cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận, các ngân hàng đã chủ động hơn trong việc bảo vệ người dùng bằng các biện pháp phòng ngừa sớm.
Các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán hoặc mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội khi chưa xác minh rõ danh tính.
Đồng thời, không truy cập hoặc đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website lạ, không cài đặt ứng dụng hay mở tệp đính kèm từ người gửi không rõ nguồn gốc. Khách hàng cũng không nên đăng ký tài khoản hoặc định danh ví điện tử hộ người khác.
Nếu nhận được các cuộc gọi hay tin nhắn đáng ngờ, khách hàng nên chủ động liên hệ tổng đài chính thức của ngân hàng hoặc đến trực tiếp chi nhánh gần nhất để xác minh, nhằm bảo vệ an toàn tài sản và thông tin cá nhân.
Vietnamfinance
In bài viết