Một nửa số sản giao dịch BĐS chuẩn bị "về vườn"?

(Kinhdoanhnet) - Dự thảo Thông tư về việc quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản (BĐS) của Bộ Xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định, sau khi Dự thảo được thông qua, sẽ có khoảng một nửa số sàn giao dịch BĐS trên thị trường bị loại bỏ.

Một nửa số sản giao dịch BĐS chuẩn bị "về vườn"? - Ảnh 1
Một nửa số sản giao dịch BĐS sẽ "về vườn"?

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 700 sàn giao dịch BĐS hoạt động, riêng tại Tp.HCM, trung bình mỗi tháng có 20 sàn giao dịch BĐS được thành lập mới. Tuy nhiên, lượng giao dịch BĐS qua sàn trên cả nước chỉ chiếm khoảng 40%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), kể từ đầu năm 2009, khi có quy định bắt buộc giao dịch BĐS thông qua sàn đã xuất hiện tình trạng có sàn giao dịch sau khi đăng ký thành lập nhưng không có hoạt động, hoặc có tham gia giao dịch nhưng lại thiếu minh bạch, chưa đủ yếu tố hợp pháp, hoặc sàn giao dịch thực hiện không đúng chức năng. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho biết, từ ngày 1/7 tới (ngày Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) chính thức có hiệu lực), tất cả các giao dịch BĐS đều không phải bắt buộc phải qua sàn. Sàn giao dịch chỉ đóng vai trò kết nối giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng. Như vậy, sẽ hạn chế việc các thông tin về dự án bị trung gian lợi dụng gây “nhiễu” thị trường. Đồng thời, những quy định mới về sàn giao dịch BĐS sẽ giúp phân loại và loại bỏ những sàn giao dịch làm ăn theo kiểu “chộp giật”.

Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, hiện có nhiều sàn giao dịch BĐS còn mắc phải sai phạm như không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, bán sản phẩm của các dự án khi dự án chưa có giấy phép xây dựng, huy động vốn vượt quá 70%... 

Đa số các chủ đầu tư đều tìm cách “né” quy định giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng góp vốn, vay vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS hoặc thành lập sàn giao dịch BĐS chỉ để bán sản phẩm của chính công ty mình. 

Theo ông Nguyễn Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Maxland, trên thực tế, có nhiều sàn giao dịch BĐS trong nội đô chỉ có diện tích vẻn vẹn 10m2, chỉ đủ kê một cái bàn cho một nhân viên. “Nếu Thông tư mới được thông qua, sẽ có khoảng 50% sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì không đủ tiêu chuẩn”, ông Diễn nói.

Bên cạnh đó, theo những quy định mới về điều kiện để được lập sàn giao dịch bất động sản trong thông tư mà Bộ Xây dựng đang đưa ra để lấy ý kiến cũng nêu rõ một sàn giao dịch Phải có diện tích từ 50m2 trở lên và có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới.

Cụ thể, Dự thảo Thông tư đề ra những điều kiện để thành lập sàn giao dịch bất động sản là phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS phải chứng chỉ hành nghề BĐS và đã được đào tạo về quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS.

Sàn giao dịch BĐS là doanh nghiệp hoặc là đơn vị thuộc doanh nghiệp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp để hoạt động. Trường hợp là đơn vị thuộc doanh nghiệp thì mọi hoạt động của sàn giao dịch phải chịu sự chỉ đạo của doanh nghiệp. Người đại diện cho pháp luật của sàn, của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch BĐS. Về cơ sở vật chất: diện tích sử dụng của sàn giao dịch phải từ 50m2 trở lên và có đủ trang thiết bị phù hợp để hoạt động kinh doanh.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Tiền Phong, TNCK)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục