Luật sư lên tiếng về vụ việc Công ty phân bón Thuận Phong

(KDPL) - Liên quan đến vụ việc Đoàn kiểm tra Liên ngành 389/ĐP tỉnh Đồng Nai quy kết Công Ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất hàng hóa, bao bì giả thương hiệu của Công ty Bio Huma Netics Hoa Kỳ (BHN), kéo dài vụ việc đến hơn 1 năm dù vụ việc chỉ liên quan đến vi phạm hành chính. Sau khi xem xét vụ việc, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính đã lên tiếng trình bày những nhận định, quan điểm của ông về vụ việc này.

Thứ nhất, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, các cơ quan chức năng đã nhận định sai, dẫn đến xử lý vụ việc của Công ty Thuận Phong  không phù hợp với luật pháp của Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín kinh doanh, việc làm của người lao động. Qua các lần kiểm tra đều cho thấy chất lượng phân bón Thuận Phong đều đảm bảo điều kiện đã ghi trên nhãn mác bao bì, quá trình sang chiết đóng gói không làm sai lệch hóa tín, chất lượng hàng hóa. Theo đó, ngày 24/4/2015, sau khi có quyết định kiểm tra xưởng sản xuất tại kho N15, đơn vị K888, KP7, phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai thuộc Công ty Thuận Phong, Đoàn kiểm tra Liên ngành 389/ĐP tỉnh Đồng Nai đã kết luận Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất hàng giả thương hiệu của Công ty Bio Huma Netics Hoa Kỳ (BHN) tại Biên bản số 0002317/BB-KT (“Biên bản 0002317”).

Luật sư lên tiếng về vụ việc Công ty phân bón Thuận Phong - Ảnh 1

Bà con nông dân ở khắp các tỉnh thành luôn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mà Công ty Thuận Phong mang lại

 

Các cơ quan chức năng sau đó đã không thực hiện các công tác kiểm tra, kiểm định, không có quyết định xử phạt hay bất cứ bằng chứng nào đưa ra để chứng minh hành vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả nhưng đã vội vàng quy kết Công ty Thuận Phong vi phạm pháp luật một cách rất chủ quan và không có căn cứ. Chỉ sau 3 ngày kể từ ngày lập Biên bản 0002317 (ngày 24/5/2015), ngày 27/4/2015, Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG đã ban hành Công văn số 89/VPTT-TH và khẳng định một cách rất chắc chắn là đã phát hiện vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, chỉ đạo kiểm tra toàn bộ hệ thống đại lý của Công ty Thuận Phong. Ngày 06/5/2015, Cục Quản Lý thị trường đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường toàn quốc sẽ xử phạt nếu phát hiện các đại lý có bán sản phẩm của Công ty BHN khi chưa có bất kỳ một cơ sở nào để chứng minh Công ty Thuận Phong vi phạm.

Từ ngày 7/5/2015 đến ngày 04/1/2016, Công ty Thuận Phong đã ba lần phối hợp cùng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) thực hiện lấy các mẫu phân bón để giám định. Sau mỗi lần giám định, các kết quả đều cho thấy Công ty Thuận Phong không sản xuất phân bón giả. Căn cứ Thông báo Kết luận điều tra ngày 24/3/2016 của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, ngày 20/4/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) đã kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ hành chính nên không có căn cứ khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngày 16/5/2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính số 1419/QĐ-XPVPHC về 07 hành vi vi phạm, Công ty Thuận Phong đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Luật sư lên tiếng về vụ việc Công ty phân bón Thuận Phong - Ảnh 2
Công ty BHN cho phép Công ty Thuận Phong được quyền đóng gói, sang chiết lại các sản phẩm nguyên chất “Huma Gro”, cũng như sử dụng các loại tem, nhãn, chai được sản xuất, in ấn tại Việt Nam thông qua công hàm ngày 27/4/2015.

Quá trình giải quyết vụ việc bị kéo dài, hàng hóa và kho hàng bị niêm phong quá lâu dẫn đến hư hỏng, thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân và người lao động. Luật sư Nghiêm cho rằng: “Việc xử lý, giải quyết vụ việc nêu trên của các cơ quan chức năng đã đi ngược chủ trương của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, với nguyên tắc “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”.

Thứ hai, luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng nói rõ, những nhận định quy kết của đại diện văn phòng 389/QG và 1 số Bộ ngành về việc doanh nghiệp Thuận Phong sản xuất bao bì giả, cụ thể là vỏ chai giả loại 1 lít là không có chứng cứ chứng minh. Vì vậy việc đại diện 389/QG cho rằng Thuận Phong lừa dối người tiêu dùng là sai.

Công ty Thuận Phong và Công ty BHN đã ký kết Hợp đồng Phân Phối ngày 1/10/2013 và cùng thỏa thuận tại Điều 16.4 rằng: “Sản phẩm được bán dưới quyền sở hữu trí tuệ của BHN với các biểu tượng được sử dụng hoặc được ủy quyền bởi BHN và phải được đặt trên tất cả các sản phẩm, thùng chứa và quảng cáo cho các sản phẩm cùng với tất cả các nhãn hiệu đã được đăng ký ® hoặc nhãn hiệu phổ biến pháp luật (™)”. Công ty BHN của Hoa Kỳ đã có văn bản ngày 17/7/2013 với nội dung: đồng ý cho phép Công ty Thuận Phong được in ấn và sử dụng logo của sản phẩm Huma Gro trên các chai nhựa được sản xuất cho mục đích duy nhất là phân phối các sản phẩm từ Công ty BHN. Ngoài ra, tại văn bản ngày 24/4/2015, Công ty BHN cho phép Công ty Thuận Phong được quyền đóng gói, sang chiết lại các sản phẩm nguyên chất “Huma Gro” từ các bồn chứa có dung tích lớn (113 lít tới 1000 lít) sang các chai có kích cỡ nhỏ hơn (chai 1 lít và 5 lít) cũng như sử dụng các loại tem, nhãn, chai được sản xuất, in ấn tại Việt Nam để thuận tiện bán hàng. Vấn đề trên cũng đã được Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh xác nhận thông qua công hàm ngày 27/4/2015. Như vậy có thể thấy rằng, việc Công ty Thuận Phong in ấn vỏ chai, sử dụng nhãn hiệu của sản phẩm của Công ty BHN tại Việt Nam là phù hợp với thỏa thuận các bên và quy định của pháp luật Việt Nam.  Việc sản xuất chai tại Việt Nam đã trực tiếp tạo doanh thu và việc làm cho ngành công nghiệp nhựa của Việt Nam, giảm giá thành và giảm giá bán cho người tiêu dùng. Trong quá trình mua bán sản phẩm này, nông dân không có ai khiếu nại về chất lượng của hàng hóa, giá trị sử dụng của hàng hóa luôn được người nông dân tin tưởng. Hình thức và nội dung bao bì của sản phẩm không vi phạm luật của Việt Nam, không nhằm mục đích lừa dối người nông dân (người tiêu dùng); phù hợp với hợp đồng với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa là Công ty BHN.

Qua ý kiến của luật sư Bùi Quang Nghiêm, có thể thấy rằng Thuận Phong hết lần này đến lần khác phải “vô cớ” dính vào vụ việc điều tra dù tất cả đã chứng minh Thuận Phong không vi phạm. Chất lượng sản phẩm như thế nào, đạt hay không đạt thì người nông dân sử dụng sản phẩm là người đánh giá khách quan chân thực nhất. Khi vụ việc xảy ra, nông dân khắp các vùng miền đều lên tiếng hài lòng về chất lượng sản phẩm. Vậy tại sao một số cơ quan lại cứ cho rằng nông dân đang phải chịu thiệt thòi? Kiên quyết phải “làm sạch” ngành phân bón dù chẳng có một chứng cứ nào đủ sức thuyết phục? Vì vậy cũng mong rằng các cơ quan chức năng sớm đưa ra 1 kết luận thấu tình đạt lý. Dư luận đang mong chờ Chính phủ sớm dứt điểm vụ việc, không oan sai với 1 doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu.

Nhóm PVPL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục