Thế giới Di động báo lãi sau thuế quý III là 907 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tuy nhiên đây lại là quý thứ 3 liên tiếp công ty bị suy giảm lợi nhuận.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng đến 32% so với cùng kỳ, đạt hơn 32.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng không kém cạnh khi tăng hơn 20% lên 7.392 tỷ đồng.
Cùng chiều, doanh thu và chi phí tài chính, chi phí bán hàng cũng tăng. Trong đó doanh thu hoạt động tài chính tăng khoảng 21% lên 249 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 164% lên 434 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 25% lên 5.342 tỷ đồng.
Ngược lại, mức chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 68% còn 316 tỷ đồng. Sau cùng, Thế giới Di động báo lãi sau thuế 907 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.
Luỹ kế 9 tháng năm 2022, doanh thu MWG đạt 102.816 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 3.480 tỷ đồng, tăng khoảng 4%.
Năm 2022, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng, tăng 14% và 30% so với kết quả thực hiện của năm 2021. Với các chỉ tiêu đặt ra, doanh nghiệp đã hoàn thành 73% doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.
Trong tổng doanh thu, Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh đóng góp lần lượt là 27.000 tỷ đồng và 54.000 tỷ đồng, chiếm 79% doanh số MWG, tăng 27% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Riêng quý III, hai mảng này tăng đến 63% khi so sánh với nền thấp do Covid-19 hồi quý III/2021.
Trong quý 3/2022, công ty đã hoàn tất hạch toán những chi phí phát sinh một lần liên quan đến quá trình tái cấu trúc của Bách hóa Xanh.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022, số lượng cửa hàng Bách hoá Xanh vào mức 1.727 cửa hàng (giảm 380 cửa hàng so với cuối năm 2021). MWG có 1.116 cửa hàng Thegioididong, 2.246 cửa hàng ĐMX, chuỗi An Khang có 529 nhà thuốc, 71 cửa hàng AVA Kids và 14 AVASport.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của MWG đạt 61.282 tỷ đồng, giảm gần 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chủ yếu là mức giảm của đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm hơn 5.000 tỷ so với hồi đầu năm ở các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm.
Ngược lại, công ty tăng cường nắm giữ tiền mặt với hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 75% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng gần 50%, chiếm chủ yếu là khoản phải thu từ nhà cung cấp, các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá.
Thêm vào đó, MWG còn phát sinh 231 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, trong khi đầu năm không ghi nhận. Trong đó có 181 tỷ đồng góp vốn vào PT Era Blue Elektronic. Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh thiết bị di động, thiết bị điện máy, đồ dùng gia đình và các thiết bị, máy móc khác tại Indonesia.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Thế giới di động gần 38.000 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chiếm hơn 80% là khoản nợ ngắn hạn từ ngân hàng.
Theo MWG, công ty cũng đang tái cơ cấu nợ, chuyển một phần nguồn tài trợ vốn lưu động từ nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả trong quý IV đã được công ty chuẩn bị sẵn sàng nguồn tiền. Doanh nghiệp khẳng định luôn chủ động tối ưu dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản và kiểm soát các hệ số nợ ở mức an toàn.