Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm như ABI, PTI,… giảm mạnh, BVH ‘giậm chân tại chỗ’
Quý 1/2022, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã mở cửa trở lại để phát triển kinh tế sau thời gian thắt chặt giãn cách chống dịch. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu khởi động lại hoạt động kinh doanh.
Thống kê tại 11 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng nhẹ 3% trong quý 1/2022, đạt 2.492 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế tại các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng 9% trong 3 tháng đầu năm, lên hơn 1.440 tỷ đồng.
Cụ thể, quý 1/2022, 4/11 doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Bảo hiểm Bưu điện (mã: PTI) giảm mạnh nhất.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI đi lùi với lợi nhuận gộp giảm 83% so cùng kỳ, còn hơn 28 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí tăng 28%, trong khi doanh thu chỉ tăng 12%.
Hơn nữa, hoạt động tài chính có lợi nhuận giảm nhẹ 3% so cùng kỳ, còn hơn 71 tỷ đồng. Do đó, mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 64% cùng lợi nhuận công ty liên kết cao gấp 12 lần, PTI vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 45%, chỉ thu về 47 tỷ đồng.
Cũng ngậm ngùi báo lãi giảm là trường hợp tại Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC).
Ở hoạt động kinh doanh bảo hiểm, BIC có doanh thu thuần quý 1 đạt gần 571 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước giúp lãi gộp tăng 24%, đạt hơn 144 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư tài chính của Công ty có lãi hơn 75 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ chủ yếu do lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm đến 75%, còn hơn 8 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% so cùng kỳ, lên gần 126 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế tại BIC giảm 9%, mang về gần 94 tỷ đồng.
Bảo hiểm Agribank (ABI) cũng ghi nhận lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm 24% còn hơn 151 tỷ đồng và đầu tư tài chính giảm 3% còn hơn 31 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế tại ABI giảm 30% so với cùng kỳ, chỉ thu về 70 tỷ đồng.
Tương tự, tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã: VNR) ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 27%, mang về hơn 101 tỷ đồng, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, do lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 54%, còn gần 44 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận tại Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) “giậm chân tại chỗ” trong quý 1/2022.
Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận giảm 20%, còn hơn 339 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận đầu tư tài chính chỉ tăng nhẹ 5%, đạt 2.027 tỷ đồng vì chi phí tăng cao hơn doanh thu. Kết quả, BVH có lợi nhuận ròng đi ngang, ở mức gần 471 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm nào dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022?
Ở một diễn biến khác, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC) dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1 năm nay.
Cụ thể, trong quý 1 năm nay, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của AIC có kết quả khả quan với doanh thu phí bảo hiểm thuần tăng 87% so cùng kỳ, đạt gần 278 tỷ đồng, dẫn đến doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 32%, đạt gần 517 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế tại AIC đạt hơn 19 tỷ đồng, tăng gấp 9,3 lần so với cùng kỳ 2021.
Đáng chú ý, Bảo hiểm Bảo Long (mã: BLI) chỉ trong quý đầu năm đã vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2022.
Cụ thể, quý 1/2022, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BLI đạt hơn 271 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoa hồng nhượng tái bảo hiểm giảm 12%. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BLI vẫn tăng 84% so cùng kỳ, lên gần 129 tỷ đồng, nhờ chi phí giảm mạnh 30%, về còn 143 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động tài chính của BLI thu về lợi nhuận hơn 79 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ, do trong quý 1 năm nay, Công ty có lãi từ đầu tư chứng khoán cao gấp 15,3 lần cùng kỳ, lên hơn 58 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế tại BLI đạt hơn 212 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ.
So với kế hoạch năm 2022, BLI đã vượt 82% chỉ tiêu lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm và vượt 28% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Các doanh nghiệp bảo hiểm khác cùng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gồm:
Bảo hiểm Quân Đội (MIC, mã: MIG) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 85 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe, mã: PRE) báo lãi trước thuế quý 1/2022 tăng đến 57% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 63 tỷ đồng.
Ngành bảo hiểm là ngành có tương quan nhất định đối với tăng trưởng kinh tế, do đó chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường. Theo định hướng của Chính phủ, mức tăng trưởng GDP mục tiêu cho năm 2022 là 6 - 6.5%. Nếu đạt được mức này sẽ góp phần giúp gia tăng nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản cho các dự án đầu tư công, bảo hiểm hàng hóa cho các hoạt động xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy nổ cho các dự án xây dựng.
Thời gian tới, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được ban hành và có hiệu lực, ngành bảo hiểm sẽ có cơ hội lớn hơn để khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết