Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cấp phép.
Thông báo của UBCKNN cho biết, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập website, ứng dụng (app) giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…), sử dụng công nghệ truyền thông, báo chí quảng báo cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định pháp luật về chứng khoán.
“Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình”, UBCKNN cảnh báo nhà đầu tư.
Dựa trên đánh giá, cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch trên. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm với các rủi ro có thể phát sinh.
Trên thực tế, các app chứng khoán trên đã quảng bá rộng rãi hoạt động gọi vốn và đầu tư suốt nhiều năm qua.
Hoạt động gọi vốn tại các app chứng khoán được quảng bá ra sao?
Finhay là app chứng khoán khá quen thuộc với nhiều người, thường xuyên được lồng quảng cáo trong các video phát trên nền tảng YouTube, được nhiều người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, doanh nhân... quảng cáo.
Finhay được giới thiệu là một ứng dụng tài chính cá nhân và mới mua lại Công ty CP chứng khoán Vina. Theo đó, hồi đầu năm 2022, Finhay đã mua lại 95,6% cổ phần Công ty chứng khoán Vina. Mới đây nhất, công ty tiếp tục chi thêm 200 tỷ đồng để mua 20 triệu cổ phiếu Chứng khoán Vina để nâng sở hữu lên 97,83% vốn điều lệ.
Theo quảng cáo, sức hấp dẫn của ứng dụng này đến từ đồng vốn nhà đầu tư bỏ ra thấp, chỉ từ 10.000 đồng có thể đầu tư cổ phiếu, từ 50.000 đồng có thể đầu tư quỹ với mức "tăng trưởng bền vững hằng năm" từ 6% đến 49,5% với các sản phẩm như ủy thác, đầu tư chứng khoán, gửi vàng, tiền gửi.
Finhay khẳng định không đưa ra bất kỳ lời chào mời đầu tư vào một sản phẩm tài chính cụ thể nào mà chỉ cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng trên điện thoại (ứng dụng Finhay) để trợ giúp người dùng tiếp cận các sản phẩm tài chính và quản lý tài chính cá nhân một cách đơn giản.
Tài sản của người dùng sẽ được chuyển tới Công ty CP Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư.
Đáng chú ý, chủ đầu tư của Finhay – Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam - đang có chuỗi kết quả kinh doanh kém khả quan trong thời gian gần đây, bất chấp doanh thu tăng trưởng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2017, Finhay Việt Nam báo lỗ sau thuế 10 triệu đồng, lỗ 144 triệu đồng năm 2018, lỗ gần 5 tỉ đồng năm 2019, lỗ 21 tỉ đồng năm 2021 và lỗ gần 63 tỷ đồng năm 2021.
Tương tự như Finhay, Tikop là một nền tảng công nghệ tài chính cung cấp các gói tích luỹ với lợi nhuận từ 5,5%-8,6%/năm. Đáng nói, với 50.000 đồng, khách hàng có thể tham gia đầu tư bất động sản với mức lợi nhuận lên đến 10%/năm.
Cụ thể, Tikop tự giới thiệu là một ứng dụng fintech thuộc Công ty CP công nghệ Techlab, có tầm nhìn trở thành nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu tại Việt Nam, tham gia sâu vào tiến trình chuyển đổi số. Sau khi người dùng nạp tiền (chỉ từ 50.000 đồng) và lựa chọn gói đầu tư, số tiền này sẽ tự động chuyển tới các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu Việt Nam, theo đúng tỷ lệ của cấu trúc đầu tư được chọn.
Các quỹ này sẽ thực hiện việc đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu và trả về cho nhà đầu tư một số chứng chỉ quỹ tương ứng với số tiền đã đầu tư. Khi quỹ hoạt động tốt, số chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư sẽ có giá trị cao hơn và ngược lại....
Tikop quảng cáo nhà đầu tư có thể tham gia các sản phẩm như "Tích lũy" hứa hẹn lãi suất lên tới 8,6%/năm, sản phẩm "Đầu tư" chứng chỉ quỹ với lợi nhuận kỳ vọng 7 - 20%/năm, riêng sản phẩm "Bất động sản" được quảng cáo lợi nhuận năm lên tới 10%. Vốn đầu tư tối thiểu 50.000 đồng, được miễn phí quản lý.
Đối với Passion Investment được thành lập từ tháng 10/2015. Đây là tổ chức nơi ông Lã Giang Trung có vai trò Tổng Giám đốc, người thường xuất hiện và cung cấp góc nhìn về thị trường chứng khoán, triển vọng đầu tư trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền hình.
Trên website, Passion Investment giới thiệu sản phẩm hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư cá nhân, số vốn tối thiểu 300 triệu đồng. Với những khách hàng cá nhân vốn lớn hay tổ chức, số tiền quản lý qua tài khoản riêng từ 50 tỷ đồng.
Trên fanpage, Passion Investment thông tin tỷ suất lợi nhuận hàng tháng và hàng năm và giá trị đơn vị đầu tư giống mô hình của quỹ mở, ETF của các công ty quản lý quỹ. Điểm khác biệt là công bố thông tin chi tiết về danh mục đầu tư, báo cáo tài chính, danh mục đầu tư cụ thể trên website của sở giao dịch như các công ty quản lý quỹ.
Tương tự, Infina là tên gọi của nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi công ty RealStake, thành lập vào năm 2018 tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam
Theo quảng bá, ứng dụng này hiện cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy. Đặc biệt là sản phẩm đầu tư chung bất động sản, theo hình thức mua 1 phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ các sàn giao dịch.
Ngoài ra, Save Now là ứng dụng được tích hợp trong ví điện tử của Viettel Money. Savenow được giới thiệu là một ứng dụng đầu tư hướng tới số đông người Việt.
Theo giới thiệu, doanh nghiệp đứng sau Savenow là Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ viễn thông Việt Tín, có trụ sở tại Phòng 303 Tầng 3 toà nhà Viễn Đông, 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đây là công ty chuyên cung cấp ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đầu tư tài chính như bảo hiểm, ngân hàng…
Doanh nghiệp này tự quảng bá ứng dụng bắt đầu từ những ý tưởng đơn giản: "chúng ta có tiền nhưng không có nhiều thời gian tìm hiểu để đầu tư sinh lãi, chúng ta cần một nơi để tiền tin tưởng có thể sinh lãi với rủi ro thấp nhất, chúng ta muốn đầu tư minh bạch với thủ tục đơn giản nhất và rút tiền bất cứ lúc nào chúng ta muốn".
Bên cạnh đó còn có app BUFF. Đây là ứng dụng thuộc sở hữu bởi Công ty CP BUFF Fintech, được thành lập giữa năm 2021, cho phép người dùng gửi tiền (có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn), phân bổ vào các sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, ETF, chứng chỉ quỹ mở, tín phiếu, đơn vị quản lý tài sản là Công ty CP Quản lý quỹ Tân Việt.
Đơn vị này giới thiệu: “với BUFF, ai cũng có thể tích lũy và đầu tư một cách thuận tiện, an toàn, và có lợi nhuận hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng truyền thống. Với BUFF, mọi người dùng đều là khách hàng ưu tiên, được tiếp cận với những sản phẩm tốt nhất ngay từ chiếc điện thoại thông minh của mình”.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết