Một khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, có 80 căn biệt thự đơn lập tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.
Nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định không có hồ sơ về đầu tư, cấp phép xây dựng.
Trước đó ngày 29/9, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại các văn bản ngày 10/8 và 13/9 về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án (Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl) thuộc thửa đất số 218, tờ bản đồ số 63 (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương).
Trên cơ sở kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Đơn Dương và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin đến Công an Tp.Hồ Chí Minh, hiện nay không có hồ sơ về dự án đầu tư, cấp phép xây dựng đối với dự án “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” thuộc thửa đất số 218, tờ bản đồ số 63.
Liên quan tới thửa đất số 218, tờ bản đồ số 63, Công an Tp.Hồ Chí Minh đã có thông báo thụ lý điều tra từ đơn tố cáo của bà N. (ngụ Tp.Hồ Chí Minh).
Bà N. tố cáo một lãnh đạo Công ty bất động sản có trụ sở tại Tp.Hồ Chí Minh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 2,6 tỷ đồng của bà, thông qua việc nhận đặt cọc chuyển nhượng thửa đất nói trên.
Rao bán rầm rộ
Được biết, thửa đất 218 này là một trong các thửa đất được quảng cáo rầm rộ thuộc “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl”.
Thực tế tại khu vực được quảng cáo là “dự án” nêu trên, chúng tôi ghi nhận trên khu đất rộng khoảng gần 2ha chỉ có một căn nhà mẫu một trệt, một lầu làm bằng khung sắt tiền chế.
Ngoài cổng vào khu đất có một chốt bảo vệ trông coi, ngoài ra không có hoạt động gì khác.
Bên cạnh đó, khu đất đã được làm đường trải nhựa nội khu rộng khoảng 7m, có vỉa hè chạy sát mép hành lang sông Đa Nhim. Ngoài ra, ranh giới các thửa đất được phân lô bằng hàng rào gỗ tạp.
Theo văn bản báo cáo UBND huyện Đơn Dương về “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” tại xã Tu Tra vào tháng 7/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này phối hợp cùng UBND xã Tu Tra tiến hành kiểm tra.
Kết quả qua rà soát, trên địa bàn xã Tu Tra không có dự án bất động sản nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Việc này đồng nghĩa, không có dự án “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” được mở bán trên địa bàn.
Cũng theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đơn Dương, vị trí phản ánh về việc có dự án nêu trên là vị trí đất của cá nhân ông T.V.Q. (thường trú tại thị trấn Thạnh Mỹ) thuộc các thửa đất số 121, 143, 166, 122; tờ bản đồ số 63 xã Tu Tra, tổng diện tích 1,8ha; địa điểm thửa đất tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép tách thành 75 thửa đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Ông T.V.Q. sau đó đã chuyển nhượng các thửa đất trên cho các hộ gia đình, cá nhân khác.
Tuy nhiên, trước đó “dự án” được quảng cáo, rao báo rầm rộ trên mạng lẫn các website. Thông tin chi tiết về “dự án” tới thời điểm này không thể truy cập.
Còn trên website của một số công ty buôn bán bất động sản (hiện vẫn còn nội dung rao bán đất "dự án"), 75 thửa đất này được đặt tên là dự án “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl”, quy mô 5ha với 80 lô biệt thự đơn lập diện tích từ 200-700 m2 giai đoạn 1.
Một số trường hợp còn rao bán đất tại “dự án” này trên fanpage chuyên về bất động sản Tp.Đà Lạt. Trong năm 2022, nhiều thửa đất tại đây được rao bán với giá khoảng 2,8 đến hơn 3,2 tỷ đồng mỗi lô đất.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương cho biết, cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục xác minh về dự án không có thật nêu trên.
Các thông tin quảng cáo về dự án “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” sai sự thật nếu có căn cứ, cơ quan chức năng địa phương sẽ xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.