Lãi suất tiền gửi trung và dài hạn giảm mạnh so với đầu năm

Dù các ngân hàng có nhiều đợt tăng lãi suất huy động trong vài tháng gần đây nhưng mức lãi suất tiết kiệm chỉ nhích nhẹ ở kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn trung và dài hạn lại giảm đáng kể.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng trong tháng 7/2024.

Theo đó, lãi suất trong tháng 7 không biến động nhiều so với tháng liền trước nhưng giảm đáng kể, cả chiều huy động lẫn cho vay so với đầu năm.

Cụ thể, đối với lãi suất tiền gửi, dữ liệu của NHNN cho thấy lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Mức lãi suất này không thay đổi so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Lãi suất biến động mạnh nhất so với tháng trước là ở kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các ngân hàng đang huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với lãi suất 2,4-3,4%/năm, tăng khá đáng kể so với tháng 6 (2,2-3,2%/năm). Tuy nhiên, so với tháng 1/2024, tiền gửi kỳ hạn này không có nhiều biến động (theo công bố của NHNN, tháng 1, tiền gửi 1-6 tháng có lãi suất dao động từ 2,5-3,4%/năm).

Với các khoản tiền gửi trung hạn, trong tháng 7, mức lãi suất các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6-12 tháng là 4,4-4,8%/năm, không thay đổi đáng kể so với mức 4,5-4,8%/năm trong tháng 6. Nhưng so với tháng 1/2024 thì tiền gửi kỳ hạn này giảm mạnh nhất, với mức giảm lên tới khoảng 1,3%/năm (lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động trong khoảng 5,7-6,1%/năm hồi đầu năm).

Ở các kỳ hạn từ 13-24 tháng, lãi suất huy động dao động trong khoảng 5,5-6,2%/năm, giảm 0,2%/năm so với mức 5,7-6,4%/năm của tháng 6 và giảm tới 1,3-1,6%/năm so với mức 6,8-7,8%/năm của tháng 1.

Với kỳ hạn dài trên 24 tháng, lãi suất huy động đang duy trì trong khoảng 6,9-7,4%/năm, tương đương với tháng trước và cũng gần tương đương so với đầu năm.

Lãi suất tiền gửi trung và dài hạn giảm mạnh so với đầu năm - Ảnh 1

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi USD của TCTD vẫn ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Về lãi suất cho vay, NHNN cho biết, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,9-9,3%/năm, tương đương tháng trước nhưng giảm mạnh so với mức 7,8-10,1%/năm hồi đầu năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, tương đương với tháng trước và giảm nhẹ so với tháng 1 (3,7%/năm). Các mức lãi suất này đều thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Lãi suất cho vay USD cũng được các ngân hàng điều chỉnh nhẹ với mức bình quân các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3-7,4%/năm đối với trung và dài hạn.

Theo Quyết định 1125 năm 2023 của NHNN về mức cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 năm 2016, TCTD áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4%/năm.

Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 5%/năm.

Ở Quyết định 1124 năm 2023, Thống đốc NHNN quyết định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND không kỳ hạn là 0,5%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.

Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi trung và dài hạn giảm mạnh so với đầu năm - Ảnh 2

Động thái mới của NHNN: Giảm lãi suất tín phiếu

Ngân hàng

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm lãi suất tín phiếu. Đây là lần thứ hai nhà điều hành thực hiện giảm lãi suất tín phiếu kể từ đầu tháng 8 trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm dần.

Minh Dũng

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục