Mấu chốt không phải là lãi suất
Đến nay dòng tín dụng vẫn chưa chạy được vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vấn đề bây giờ vẫn là nằm ở chính nền kinh tế! Lãi suất không thể hạ sâu nữa, nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của DN là sức mua của thị trường còn yếu, kéo theo nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN không tăng, nên vốn tín dụng ngân hàng không đến được nền kinh tế... Hiện nay, mức lãi suất vẫn trên 10% là mức mà các ngân hàng chịu đựng được. Tuy nhiên, đấy là từ góc độ ngân hàng, còn từ góc độ doanh nghiệp, thì mức lãi suất đó lại quá “chát”!
Thực vậy, câu chuyện các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nguyên nhân không còn nằm ở lãi suất nữa mà còn do nhiều yếu tố khác, yếu tố nổi bật nhất là do hàng tồn kho quá lớn! Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng tín dụng chưa tăng cao là do các doanh nghiệp không có đầu ra, hàng tồn kho chưa tiêu thụ được nên dù lãi suất có giảm thì nhu cầu vay vốn cũng không cao. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng vẫn đang rất thận trọng cho vay khi doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, nợ xấu còn cao. Đối với doanh nghiệp khỏe, vì hàng tồn kho cao, sức cầu của nền kinh tế nên không mặn mà vay.
Chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh máy nông nghiệp ở Hưng Yên chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả mới nghĩ tới việc đi vay ngân hàng, mà số này hiện nay không nhiều. Cái mà doanh nghiệp bây giờ mong muốn không phải là lãi suất mà là cơ hội làm ăn, là đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, dù lãi suất có hạ doanh nghiệp cũng không dám nghĩ tới vay ngân hàng khi sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả. “Lãi suất có hạ nữa vốn tín dụng vẫn khó chảy vào nền kinh tế".
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, vấn đề mấu chốt đối với doanh nghiệp hiện nay không nằm ở lãi suất thấp, quan trọng hơn cả là làm sao để sản xuất không bị đình trệ, hàng tồn kho được giải quyết…
Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được tăng cường quy mô và hiệu quả hoạt động
Để giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, cần xử lý hàng tồn kho trước, khi đó mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, Chính phủ cần phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với những những doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng đang bị tổn thương mạnh nhất do khủng hoảng.
Quan trọng hơn, cần tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Tạo thuận lợi cho khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét cho vay, giảm khối lượng công việc trong công tác thẩm định đối với những hồ sơ không trọng yếu. Hiện nay, Quỹ này đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ thấp, quy trình nộp hồ sơ xét duyệt khó khăn, không hiệu quả. Để nó hoạt động, Chính phủ phải bỏ tiền ra, chấp nhận rủi ro, chấp nhận sẽ mất một lượng vốn nào đó để bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Việc tăng cường quy mô và hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại ngân hàng phát triển và các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố sẽ giúp ngân hàng sàng lọc tín dụng phi lãi suất. Đối với những khoản tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ thấp. Ngoài ra, chính sách về đầu tư công của cũng phải được ưu tiên đẩy mạnh trong thời điểm này nhằm kích cầu tiêu dùng. Đầu tư công sẽ trực tiếp tiêu thụ các sản phẩm nguyên vật liệu tồn kho của ngành xây dựng như sắt thép, xi măng….
Hạ tầng cơ sở; thể chế quản lý kinh tế… được cải thiện, nghĩa là điều kiện, môi trường kinh doanh được cải thiện và nếu có thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, chương trình xúc tiến đầu tư, tiếp cận thị trường mới… thì các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao được khả năng tín dụng. Theo đó, ngân hàng có điều kiện cấp tín dụng với lãi suất thấp hơn do phần bù rủi ro tín dụng sẽ nhỏ.
Thế Anh (Tổng hợp)