Trong số 5.000 lít rượu này có 1.000 lít do người dân tự nộp và tiêu hủy. Loại rượu này được cho là đã dùng trong bữa cỗ đám ma ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu, chứa lượng cồn công nghiệp methanol vượt ngưỡng hàng nghìn lần khiến hàng trăm người ngộ độc và 8 người chết.
Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho các nạn nhân. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân
Hiện cơ quan chức năng địa phương đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc ở 8 xã biên giới.
Theo chính quyền huyện Phong Thổ, đến chiều 19/2, tại 5 xã biên giới của huyện, số nạn nhân vụ ngộ độc đã lên tới 126. Nhiều người có biểu hiện ngộ độc đã chủ động đến các cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc rượu phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm - ethanol, nguy hiểm hơn là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Số vụ ngộ độc methanol có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Các nạn nhân thường ngộ độc nặng, dễ tử vong.
Sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Những trường hợp nặng cứu được thì cũng sẽ để lại di chứng.
Để phòng ngộ độc rượu, người dân nên hạn chế uống rượu và phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không trả lời, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… là dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Mai Anh (TH theo Thanh niên, Vnexpress)