KOL vi phạm luật quảng cáo: Các nền tảng có làm đúng trách nhiệm?

Các nền tảng mạng xã hội hiện nay như TikTok, Facebook, YouTube và Instagram, đã trở thành công cụ quảng bá không thể thiếu của các KOL và Influencer. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo sai sự thật ngày càng phổ biến, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nền tảng này trong việc kiểm soát nội dung.

Trách nhiệm kiểm soát nội dung của các nền tảng mạng xã hội?

Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành công cụ quảng bá mạnh mẽ, nơi các KOL (Key Opinion Leader) và Influencer sử dụng sức ảnh hưởng của mình để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo sai sự thật ngày càng phổ biến, gây lo ngại cho người tiêu dùng và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube, Google, Instagram,... trong việc kiểm soát nội dung.

Báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử năm 2024 chỉ ra, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu, trong đó số số lượng tài khoản người dùng Zalo hàng tháng là 76,5 triệu (tính đến 30/6/2024). Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 triệu, trong đó: Facebook là 72 triệu, YouTube - 63 triệu và Tiktok - 67 triệu.

Đáng chú ý, chỉ trong chưa đầy 1 năm, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đã tăng thêm hơn 20 triệu. Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, tính tới tháng 7/2024, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua. Hiện số lượng người dùng mạng xã hội này tại Việt Nam cao thứ 5 trên thế giới, chỉ sau các nước Indonesia (157,6 triệu), Mỹ (120,5 triệu), Brazil (105,2 triệu) và Mexico (77,54 triệu).

Top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok cao nhất. (Ảnh: Statista)
Top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok cao nhất. (Ảnh: Statista)

Theo báo cáo, năm 2024, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỷ lệ 93%). Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.

Mặc dù các nền tảng này đã có những động thái nhất định trong việc kiểm soát nội dung, nhưng thực tế cho thấy nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật vẫn tồn tại. Ví dụ, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành điều tra về việc quảng cáo sai lệch của một số sản phẩm thực phẩm chức năng do các KOL quảng bá trên mạng xã hội.

Theo các chuyên gia quảng cáo, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các nền tảng thường đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm xã hội. Nội dung gây tranh cãi thu hút lượng lớn người xem, từ đó tăng doanh thu quảng cáo. Do đó, dù có công cụ kiểm soát, các nền tảng vẫn chậm trễ hoặc bỏ qua nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt khi các KOL sở hữu lượng người theo dõi lớn.

Luật hóa trách nhiệm và cơ chế giám sát chặt chẽ hơn

Trao đổi với VietnamFinance, Luật sư Trần Việt Thanh, Văn phòng luật sư Indochina, cho rằng việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát hiệu quả là cần thiết để quản lý nội dung quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

KOL vi phạm luật quảng cáo: Các nền tảng có làm đúng trách nhiệm? - Ảnh 1

Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok gỡ bỏ gần 16.000 nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc có một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 147, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, yêu cầu người dùng mạng xã hội phải xác minh danh tính và các nền tảng phải cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

"Việc thực thi các quy định này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội và cộng đồng người dùng. Các nền tảng cần chủ động hơn trong việc kiểm duyệt nội dung, thiết lập hệ thống cảnh báo tự động cho các từ khóa nhạy cảm và tăng cường nhân sự kiểm duyệt nội dung bản địa.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin và chủ động báo cáo những nội dung vi phạm. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo sai sự thật.

Việc KOL quảng cáo sai sự thật không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh lỗ hổng trong hệ thống kiểm duyệt và quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đã đến lúc Google, Facebook, YouTube và TikTok phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, phối hợp với cơ quan chức năng và cộng đồng để xây dựng môi trường mạng minh bạch, an toàn và đáng tin cậy" - Luật sư Trần Việt Thanh cho hay.

Dữ liệu từ TikTok cho thấy, 2 trong 3 người dùng tại khu vực Đông Nam Á đã từng thực hiện mua hàng trên TikTok Shop. Tại Việt Nam, 1 trong 4 người dùng TikTok đã thực hiện giao dịch mua sắm trên TikTok Shop.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu bật những con số:
- 76% người mua sắm tại Đông Nam Á cho biết họ có khả năng mua sắm trên TikTok Shop trong năm nay.
- 1 trong 2 người dùng đồng thời xem nội dung và mua sắm trên nền tảng TikTok, cho thấy sự kết hợp giữa giải trí và thương mại đang trở thành xu hướng phổ biến.
- 95% người dùng của TikTok cho biết họ sẽ tham gia mùa mua sắm Tết 2025.
- 89% người dùng hứng thú với nội dung Tết vì được truyền cảm hứng và khám phá sản phẩm mới.
- 84% tìm hiểu thêm về sản phẩm và 58% bỏ sản phẩm vào giỏ hàng để sẵn sàng 'chốt đơn' ngay sau khi khám phá.

Theo chuyên gia, những con số trên cho thấy việc kiểm soát nội dung trên mạng xã hội này cần chặt chẽ hơn. Ngoài ra, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra còn cần sự tỉnh táo của người tiêu dùng trước khi đặt mua bất kỳ sản phẩm nào.

Hải Lâm

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục