Kiến nghị "xóa sổ" dự án lấp sông Đồng Nai

(Kinhdoanhnet) - "Dù UBND tỉnh Đồng Nai có đưa ra bất cứ lý do nào cũng không thể bao biện về việc công trình lấn sông đang xâm hại đến dòng sông nuôi sống 20 triệu người và cội nguồn cảnh quan vùng miền Đông Nam Bộ"

Tại hội thảo Phát triển bền vững lưu vực sông do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chiều 12/5, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - TS Vũ Ngọc Long kiến nghị: "Đề nghị Quốc hội, Thủ tướng, Ủy ban Bảo vệ môi trường và lưu vực sông Đồng Nai sớm có giải pháp ngăn chặn và “cứu” con sông Đồng Nai trước nguy cơ bị khai thác quá mức như vậy. Dù UBND tỉnh Đồng Nai có đưa ra bất cứ lý do nào cũng không thể bao biện về việc công trình lấn sông đang xâm hại đến dòng sông nuôi sống 20 triệu người và cội nguồn cảnh quan vùng miền Đông Nam Bộ".

Theo ông Long, những khảo sát địa chất, địa mạo lòng sông và với hình ảnh hiện trường cho thấy dự án lấn sông này chắc chắn làm thay đổi dòng chảy rất nhiều, nguy hiểm cho khu vực cù lao Phố. Đoạn sông này có chiều ngang rộng phình ra là do lịch sử để lại khi mà lòng sông được mở rộng khả năng tiêu thoát nước theo phương ngang. Do bị thay đổi dòng chảy nên có một điều chắc chắn là khuynh hướng xâm thực bờ cù lao Phố sẽ luôn luôn lớn hơn so với bờ đối diện. 

Kiến nghị "xóa sổ" dự án lấp sông Đồng Nai - Ảnh 1
Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai gây bức xúc dư luận thời gian qua

Chia sẻ tại hội thảo, tiến sỹ Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cũng cho rằng, sự bất thường ở dự án lấn sông Đồng Nai là dự án này liên quan đến 11 tỉnh, thành mà sông Đồng Nai chảy qua, liên quan đến 18 triệu dân, nhưng tỉnh Đồng Nai không xin tham vấn các địa phương liên quan.

Ngoài dấu hiệu vi phạm các luật nêu trên, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập, dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” có bản chất là dự án chỉnh trị sông có tác động rất nhiều vào dòng sông và xây mới cơ sở hạ tầng. Quy mô của dự án cho thấy, đây chính là ý đồ xây dựng một đô thị phát triển trên sông chứ không còn là làm kè ven sông như thông tin ban đầu.

Trao đổi trên báo Thanh niên, ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng VN, đề xuất: “Quốc hội nên mời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ra chất vấn trước Quốc hội, chiếu lên cho đồng bào cả nước xem. Một dự án liên quan đến nhiều tỉnh chắc chắn là Chính phủ phải giải quyết chứ không để chủ tịch một tỉnh giải quyết được. Đặc biệt, với một dự án ảnh hưởng tới số đông người dân. Nếu chỉ vì DN đóng góp cho tỉnh mỗi năm vài chục tỉ sau đó chúng ta lại xuê xoa là không được mà cần phải quyết tâm làm và xử lý nghiêm”.

Trước đó, sau khi khảo sát thực tế và các vấn đề UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo, đoàn công tác gồm 4 Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần có báo cáo giải trình thêm về quá trình triển khai thực hiện dự án để các Bộ có văn bản chỉnh thức gửi Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 5/2015.

Như báo chí đã đưa tin, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chấp thuận đầu tư dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai rộng hơn 84.000m2 cho Công ty Toàn Thịnh Phát.

Dự án này có phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m2, gây nhiều phản ứng trong dư luận. 

Ninh An (Th theo Thanh niên, PLO, TTXVN)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục