Khi quỹ nhỏ dành lợi thế

Các quỹ ngoại có quy mô vốn trung bình hoặc nhỏ và mới tham gia thị trường Việt Nam có thời cơ để giải ngân mạnh trong nửa đầu tháng 5.

Thử lấy trường hợp của FPT làm thí dụ, CP này có giá 51.000 đồng/CP vào ngày 7/5, nhưng đến 13/5 chỉ còn 41.000 đồng/CP. Chỉ trong vài ngày, FPT giảm 20% về một mức giá có thể nói là hấp dẫn cho blue chip này, nhưng vấn đề là nhà đầu tư nước ngoài không thể mua vào vì đơn giản là CP này đã hết room sở hữu.

Dù FPT giảm mạnh vậy, nhưng nhìn giao dịch của khối ngoại tại CP này có thể thấy lượng bán ra vô cùng ít ỏi. Như vậy những quỹ ngoại lớn, thường giải ngân vào các blue chip dù có thấy FPT rẻ mà muốn mua thì cũng không mua được. Trong khi đó, các quỹ ngoại nắm giữ dài hạn cũng không thể tận dụng cơ hội để mua thêm được.


Trong khi đó, tại ITA lại khác, đây là một CP "mở" đúng nghĩa. Khoảng 10 phiên gần đây, ITA khớp trung bình gần 7 triệu CP/phiên. Room sở hữu nước ngoài của ITA tính đến 16/5 cũng chỉ hơn 16%, tức là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua còn rất nhiều. ITA còn nằm trong rổ VN30, nghĩa là có thể thu hút được cả những quỹ ETF.

Trong nửa đầu tháng 5, chỉ có duy nhất 1 phiên khối ngoại bán ròng ITA còn lại đều mua ròng. Điểm đáng chú ý là quỹ ngoại nào mua ITA trong phiên 13-5, tại mức giá đáy khoảng 6.700 đồng/CP thì đến 16/5 đã có thể bán ra chốt lãi tại mức 7.500 đồng/CP. Rất khó có khả năng một quỹ đóng, hoạt động theo mô hình đại chúng lại có thể "lướt" theo kiểu như vậy, nhưng các quỹ có quy mô nhỏ hơn và giao dịch mạo hiểm hơn thì sẽ làm rất tốt.

Từ cuối năm 2013, số lượng các quỹ ngoại có quy mô trên dưới 20 triệu USD tham gia thị trường đã gia tăng. Tuy nhiên, thị trường đã tăng mạnh trong suốt quý I/2014 đã khiến các quỹ rất khó khăn trong việc giải ngân. Cũng chính vì vậy mà áp lực dành cho các quỹ là không nhỏ vì tiền huy động được nếu không mua thì nhà đầu tư thắc mắc, trong khi mua thì rất sợ mua đỉnh.

Nên khi VN-Index giảm khoảng 20% trong thời gian qua, giá của nhiều CP quay về ngưỡng như hồi cuối năm 2013 thì có thể xem đó là cơ hội cho các quỹ ngoại mua vào. Cũng phải nhấn mạnh rằng, cho dù thị trường thời gian tới có đi ngang thì việc mua vào cũng khó mà thuận lợi như lúc này.

Một lợi thế mà các quỹ nhỏ "ăn đứt" các quỹ lớn là với nguồn vốn huy động được thì giai đoạn này là giai đoạn mua vào để định hình danh mục đầu tư nên áp lực bán ra sẽ không lớn. Cũng chính vì vậy, nên các quỹ cũng có thể mua một cách mạnh dạn những cổ phiếu giá rẻ, chấp nhận nắm giữ trong thời gian dài, tính bằng năm. Trong khi các quỹ lớn, ngoài việc mua vào còn phải tính đến chuyện tái cơ cấu, chốt lãi...

Như vậy, nếu thời gian tới đây, nền kinh tế của Việt Nam vẫn được củng cố thì việc thu hút thêm các quỹ nhỏ là có thể dự báo được, thị trường nhờ vậy sẽ được hưởng lợi, thanh khoản tăng, nhiều cơ hội sinh lời. Nhưng cũng có điểm đáng bàn rằng nếu quy mô các quỹ gia tăng thì liệu lúc đó sự mạnh mẽ và "thiện chiến" có còn hay không?

Quỹ có quy mô 100 triệu USD được xem là bình thường tại một số thị trường khác nhưng tại Việt Nam thì có thể là lớn. Thanh khoản những phiên cao điểm của thị trường trong nước vào khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng, như vậy quỹ có quy mô 100 triệu USD sẽ tương đương 50% thanh khoản, tỷ lệ này càng cao đồng nghĩa với việc tái cơ cấu danh mục càng khó.

Không ít các quỹ có quy mô nhỏ hoặc trung bình hiện nay hoạt động theo mô hình quỹ mở, tức là nếu 20 triệu USD sinh lãi, thì có thể thu hút lên thành 30-40 triệu USD hay hơn nữa. Nhiều blue chip đã hết room, nếu thị trường không có thêm hàng hóa thì cũng không loại trừ sẽ đến một số mid cap hay penny hết room.

Theo Tri Thức Trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục