Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020, vừa được Chính phủ ban hành, đã đưa ra một cách hoàn toàn mới: tiếp cận theo ngành, chứ không theo địa bàn như trước.
Danh mục này có 127 Dự án và được chia thành 5 nhóm: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; nông nghiệp; bảo quản chế biến; các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ, trong đó chủ yếu là kết cấu hạ tầng kỹ thuật (51 dự án).
Tổng vốn đầu tư kêu gọi đầu tư cho toàn bộ danh sách các dự án này lên tới 60 tỷ USD giải ngân cho 127 dự án , trong đó có 18 dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Lớn nhất là Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa), với tổng vốn đầu tư 8 tỷ USD, hình thức đầu tư là liên doanh 75% vốn nước ngoài.
Ngoài ra, còn có các dự án lớn khác như Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, 1,867 tỷ USD; Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (1,762 tỷ USD) và các dự án quy mô nhỏ hơn như: Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, 3,52 tỷ USD; Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, 5,62 tỷ USD, Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cần 1,095 tỷ USD; Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cần 5 tỷ USD, dự án đầu tư xây dựng đường sắt vào cản cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng cần 1,6 tỷ USD...
Trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài lần này, có 20 dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế; kinh phí của các hoạt động trên được bố trí từ Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm.
Quy mô vốn được cho là không hẳn quan trọng, mà điều cần quan tâm hơn là các dự án được lựa chọn sẽ có tác động thế nào tới kinh tế - xã hội quốc gia nói chung, cũng như tới sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.
“Cả 127 dự án đó, nếu thu hút đầu tư được sẽ mang lại lợi ích tốt cho kinh tế - xã hội, giải quyết được các điểm nghẽn của nền kinh tế liên quan đến hạ tầng cơ sở, giáo dục - đào tạo, và kể cả phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là liệu nhà đầu tư có lựa chọn các dự án này để đầu tư hay không”, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận đồng thời dẫn câu chuyện về việc danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đã từng nhiều lần được ban hành, nhưng giữa thực tế đầu tư và Danh mục đã tồn tại một sự khác biệt đáng kể.
Mặc dù vậy, theo ông Mại, khi Danh mục đã được ban hành, điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải xây dựng đề án cụ thể cho từng dự án, chính sách ưu đãi khi thu hút đầu tư vào các dự án này như thế nào để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
“Kêu gọi dự án đầu tư phải dựa trên lợi ích của quốc gia và cả lợi ích của nhà đầu tư. Nếu không có lợi, không phù hợp với nhu cầu của họ, nhà đầu tư sẽ không vào”, ông Mại nói.
Thực tế thời gian qua cho thấy, mô hình BOT chưa thực sự hút được vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới có khoảng 10 dự án BOT có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Còn vốn ODA, sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn tới, do Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Trong khi đó, mô hình PPP vẫn đang trong quá trình thí điểm, hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.
Thế Anh (Tổng hợp)