IPO "ế nặng", Vinalines dự kiến niêm yết 5,4 triệu cổ phiếu trên UPCoM

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc chấp thuận niêm yết 5,4 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH MTV (Vinalines) với mã chứng khoán MVN, tương đương 0,38% vốn của doanh nghiệp này.

IPO "ế nặng", Vinalines dự kiến niêm yết 5,4 triệu cổ phiếu trên UPCoM - Ảnh 1

Theo đó, ngày 8/10 tới đây, toàn bộ 5.420.900 cổ phiếu MVN sẽ có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/CP, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 54,2 tỷ đồng.

Được biết, đây là số cổ phần đã trúng giá của Vinalines trong phiên chào bán lần đầu ra công chúng vào đầu tháng 9 vừa qua. Theo đó, Vinalines đã thông qua phương án cổ phần hóa với việc chào bán 488,8 triệu cổ phần (tương đương 34,8% vốn điều lệ) để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống 65%. Tuy nhiên, tại phiên IPO vào ngày 5/9, Vinalines chỉ bán được 5,4 triệu cổ phần (chiếm 0,38% vốn), do đó, Nhà nước vẫn đang nắm hơn 99% vốn doanh nghiệp này.

IPO "ế nặng", Vinalines dự kiến niêm yết 5,4 triệu cổ phiếu trên UPCoM - Ảnh 2

Vinalines là một trong những doanh nghiệp hàng hải hàng đầu hiện nay với chuỗi giá trị khép kín từ vận tải biển, cảng biển và cung cấp dịch vụ hàng hải. Hiện Tổng công ty có 85 tàu với tổng trọng tải 1,8 triệu tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia. Hệ thống cảng biển của Vinalines cũng hiện diện từ Bắc đến Nam với tổng chiều dài 13km, chiếm 1/5 tổng chiều dài cầu cảng cả nước. Hệ thống kho bãi của Vinalines có tổng diện tích 263ha, lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu gặp khó khăn kể từ 2009 và đến 2011 rơi vào tình trạng thua lỗ. Trong phiên chào bán vừa qua, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch HĐTV Vinalines, thừa nhận, khoảng 4 năm trước tình hình tài chính của Vinalines rất tệ, lỗ lũy kế lên tới hơn 22.000 tỷ đồng; vốn nhà nước giao 10.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 4.000 tỷ đồng.

Sau 4 năm tái cơ cấu, đến nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Cụ thể, Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines năm 2017 cho thấy doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu 15.787 tỷ đồng, giảm 13,7% so với năm trước. Trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 3.106 tỷ đồng, bằng 50,5% so với năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 306 tỷ đồng - chỉ bằng 12,2% so với năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2017, Vinalines vẫn còn lỗ lũy kế 3.253 tỷ đồng, tổng tài sản xuống 28.137 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 20.169 tỷ đồng trong đó, nợ ngắn hạn là 11.309 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.859 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt công ty con của Vinalines cũng rơi vào tình trạng khó khăn, bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn...

Bước sang năm 2018, lãnh đạo công ty đã cân nhắc và xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm 2017 như: doanh thu hợp nhất đạt 13.638 tỷ đồng, giảm 13,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng, giảm 3%.

Tuy nhiên, bản công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ dự kiến doanh thu đạt 533 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm 2018 bắt đầu có lãi với con số 143 tỷ đồng và những năm sau đó, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng nhẹ.

Năm 2019, Công ty mẹ - Vinalines đặt mục tiêu doanh thu 1.048 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 221 tỷ đồng. Con số này năm 2020 dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng và 279 tỷ đồng.

Giải thích về dự báo lợi nhuận trên, Vinalines cho biết, thị trường vận tải biển phục hồi chậm những năm đầu giai đoạn 2018 – 2020 nên doanh nghiệp đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả. Đồng thời, Vinalines phải xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Vinalines kỳ vọng sau cổ phần hóa đến 2020 sẽ trả cổ tức và đảm nhận 30% hàng hóa qua cảng Việt Nam. Công ty sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc với 6 bến container và tổng hợp tại cảng Lạch Huyện tiếp nhận tàu đến 8.000 TEU, khu vực miền Trung sẽ đầu tư tại cảng Liên Chiểu và miền Nam đầu tư 2 cầu cảng của dự án Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang.


Hương Nguyên

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục