Tờ The Guardian cho biết, mặc dù Tổng thống Indonesia nhiều lần cam kết sẽ chống lại sự chênh lệch tài sản cá nhân, tuy nhiên hiện tuợng này vẫn đang diễn ra ngày càng sâu sắc. Theo số liệu vừa được Tổ chức nhân đạo Oxfarm công bố, 4 tỷ phú giàu nhất Indonesia sở hữu khối tài sản trị giá 25 tỷ USD, tương đương gia tài của 40% dân số, tức 100 triệu người nghèo nhất đất nước gộp lại.
Indonesia là một trong những nước có mức chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa: Reuters
Oxfam nhấn mạnh rằng, Indonesia là một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới, nơi có số tỷ phú tăng nhanh chóng mặt. Năm 2002, Indonesia chỉ có 1 tỷ phú USD nhưng đến 2016 con số này là 20. GDP của Indonesia tăng mạnh mẽ, ở mức trung bình 5% trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2016, khiến đất nước vạn đảo trở thành nền kinh tế mới nổi được cả thế giới chú ý.
“Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế Indonesia đã không được chia đều và hàng triệu người đã bị bỏ lại phía sau đặc biệt là phụ nữ", Oxfam cho biết.
Oxfam nhận định, mặc dù Indonesia có chỉ số GDP tăng trưởng nhanh chóng, trung bình ở mức 5% trong những năm 2000 – 2016, lọt vào danh sách CIVETS (danh sách các quốc gia tăng trưởng nhanh mới nổi) nhưng việc xóa đói giảm nghèo thì lại đang đi vào bế tắc. Dựa trên tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, khoảng 93 triệu người dân Indonesia đang sống trong đói nghèo.
Theo Oxfam, việc số lượng các triệu phú và tỷ phú đang ngày càng tăng trong bối cảnh nghèo khổ đáng kinh ngạc khẳng định rằng đó là do những người giàu có đang chiếm thị phần lớn trong những hoạt động kinh tế nhiều lợi ích của đất nước, trong khi hàng triệu người dân nghèo khổ bị bỏ lại phía sau.
Phương Anh