Và những khoản tiền vay, tiền gửi ngân hàng lên tới cả chục nghìn tỷ đồng với giá đi vay rẻ hơn đi gửi vẫn tồn tại trên sổ sách của Tập đoàn Hòa Phát trong nhiều năm liền.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương.
Thừa tiền?
Tại ngày 31/3/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ghi nhận khoản tiền nhàn rỗi gần 13.800 tỷ đồng, chiếm đến hơn 25% tổng tài sản.
Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 6.663 tỷ đồng, tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng là 7.097 tỷ đồng.
Trong khi đó, Hòa Phát cũng đang vay nợ ngắn hạn và dài hạn gần 12.400 tỷ đồng, xấp xỉ bằng tiền nhàn rỗi, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với khoản vay 10.291 tỷ đồng. Một năm công ty phải chi 555 tỷ tiền lãi vay trong khi doanh thu tài chính chỉ bằng 1/3.
Quý I/2018, Hòa Phát giải ngân chỉ 2.661 tỷ đồng vào chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản khác. Vậy lượng tiền "tồn kho" 13.800 tỷ liệu có quá nhiều?
Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2017, tiền nhàn rỗi của Hòa Phát là 14.200 tỷ đồng, trong đó 9.936,7 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Vay ngân hàng tính đến cuối năm 2017 của tập đoàn này là gần 13.000 tỷ đồng, trong đó 87% là vay ngắn hạn (11.328,5 tỷ đồng).
Được ưu đãi vay với lãi suất thấp nhất Việt Nam?
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2017 của Hòa Phát cho thấy, khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng 9.936,7 tỷ đồng là khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng tại các tổ chức tài chính, hưởng lãi suất từ 4,3-7,4% (năm 2016 là 3,5-7%) một năm.
Tới cuối năm 2017, Hòa Phát cũng có khoản tiền gửi dài hạn 1.251,7 tỷ đồng tại ngân hàng được hưởng lãi suất 6,5%/năm (năm 2016 là từ 6,1-6,8%/năm).
Số dư vay ngắn hạn và dài hạn đến hạn phải trả tại ngày 31/12/2017 của Hòa Phát bao gồm các khoản vay bằng VNĐ và các khoản vay bằng USD tương ứng là 9.546,8 tỷ đồng và 1.781,7 tỷ đồng.
Các khoản vay bằng VNĐ chịu lãi suất từ 2,8-9,7%/năm (năm 2016 là 3,9-6%/năm). Các khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 2,1-4%/năm (năm 2016 là 1,2-2,2%/năm).
Năm 2015, các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm của Hòa Phát tại các tổ chức tài chính hưởng lãi suất từ 3,5% đến 5,5% (năm 2014: 4,2% đến 8,2%) một năm; tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, được hưởng lãi suất từ 6,2% đến 6,3% (năm 2014: 6,2% đến 7,7%) một năm.
Trong khi, lãi suất vay các khoản vay bằng VNĐ của tập đoàn này tại nhà băng năm 2015 từ 3,9% đến 6% (năm 2014: 3,5% đến 6,5%) mỗi năm.
Như vậy, lãi suất đi vay mà Hòa Phát phải chịu lại thấp hơn tối đa đến 4,6%/năm so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng (mức lãi suất đi vay thấp nhất là 2,8% và lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,4%). Năm 2016, con số chênh lệch này tối đa vào khoảng 3,1%, năm 2015 là 1,6%, năm 2014 là 4,7%.
Về nguyên tắc, trong hoạt động ngân hàng, lãi suất cho vay bao giờ cũng phải cao hơn lãi suất huy động, mức dao động trong khoảng trên dưới 3%.
Mức lãi suất vay vốn thấp tới ngưỡng 2,8% mà các ngân hàng thương mại đã áp dụng cho Tập đoàn Hòa Phát có thể được xem là mức lãi suất cho vay vào hàng thấp nhất Việt Nam.
Trong khi đó, mức lãi suất gửi tiền mà các nhà băng dành cho Hòa Phát cũng cao hơn biểu lãi suất niêm yết của ngân hàng công bố. Năm 2017, lãi suất gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất áp dụng tại Vietcombank là 5,3%/năm, từ 6 - 12 tháng cao nhất là 6,5%/năm.
Chỉ tính lãi suất vay thấp nhất là 2,8%/năm, đem gửi tiết kiệm nhận lãi thấp nhất là 4,3%/năm, thì Hòa Phát có thể “ăn chênh” lãi suất 1,5%/năm. Giả sử tính trên 1.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, doanh nghiệp này có thể “đút túi” cả chục tỷ đồng chỉ nhờ cách điều chuyển vốn ngân hàng như trên.
Chưa kể hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn được Tập đoàn hạch toán vào tiền và các khoản tương đương tiền, nhưng không công bố lãi suất.
Tuy nhiên, trên các báo cáo tài chính, Hòa Phát không thể hiện cụ thể các khoản vay ngắn hạn này được cung cấp bởi các nhà băng nào.
Thông tin các chủ nợ chỉ được tập đoàn này thể hiện cụ thể trong các khoản vay dài hạn với các ngân hàng quen thuộc như BIDV, Vietinbank, HSBC, ANZ, Vietcombank...
Nguồn: Nhadautu