Hiệp hội Tôm chua Huế hoạt động rệu rã, nhãn hiệu tập thể nhưng mạnh ai nấy làm

Được bảo hộ từ sớm, nhưng đến nay, việc khai thác quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế còn khá mới mẻ với người dân sản xuất và kinh doanh tại Thừa Thiên Huế, dẫn tới không ít khó khăn.

Tôm chua trôi nổi, chất lượng ... nổi trôi

Tôm chua chất lượng có hình dáng căng đẹp, thịt tôm không bị xẹp.

Tôm chua chất lượng có hình dáng căng đẹp, thịt tôm không bị xẹp.

Năm 2013, Tôm chua Huế được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Điều này cho thấy đây là sản phẩm đặc trưng được nhiều người biết đến. Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đưa vào quản lý, sử dụng đã trở thành động lực gia tăng sức cạnh tranh của Tôm chua Huế trên thị trường.

Sau khi được bảo hộ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao sản phẩm Tôm chua Huế cho Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng mức giới hạn an toàn thực phẩm, là cơ sở pháp lý xử lý những cơ sở cố tình gian lận thương mại. Đồng thời góp phần phát triển thương hiệu, tạo lập niềm tin của người tiêu dùng cho sản phẩm.

Hiệp hội Tôm chua Huế hoạt động rệu rã, nhãn hiệu tập thể nhưng mạnh ai nấy làm - Ảnh 1

Thực tế, ngay tại Huế, bên cạnh những thương hiệu uy tín, vẫn còn một số nhãn hàng thông thường và tôm chua “nhà làm” trôi nổi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Bà Đặng Thị Thảo, chủ cơ sở kinh doanh Chiến binh nông sản tại Huế là một tiểu thương chuyên bán các loại thực phẩm sạch, đặc sản địa phương. Bà Thảo nói: “Người mua nhầm chứ người bán không nhầm. Tôm chua mua về để cả tháng không chua, không hỏng là cần xem lại. Có rất nhiều loại tôm chua trên thị trường, tiền nào của đó”.

Theo bà Thảo, giá tôm hiện tại khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg, chưa kể các nguyên liệu và chi phí khác. Vì vậy, nếu một hũ tôm chua chỉ có giá 40.000 đồng thì không thể có lời.

"Tôm chua thường làm từ loại tôm nhỏ, nhưng nếu tôm nuôi nhỏ mà bán không có lời thì ai dại gì bán? Vì thế cần đặt nghi vấn giá rẻ chỉ có tôm bệnh, tôm chết”, bà Thảo tâm tư. Tâm lý này của bà Thảo cũng là tâm lý lo ngại của nhiều người tiêu dùng.

 Giá tôm tươi nguyên liệu thường khá cao.

 Giá tôm tươi nguyên liệu thường khá cao.

Bà Mừng, tiểu thương chợ Đông Ba tâm sự: “Nay người ta ít dám làm nhái, giả (!) nhưng có tình trạng những hàng tôm chua trộn nhiều loại tôm trong một mẻ, làm ảnh hưởng uy tín chung của thương hiệu Tôm chua Huế”.

Còn theo ông Trần Cao Phúc, Chủ tịch Hiệp hội Tôm chua Huế, tôm chua nếu muối theo phương pháp thủ công thời gian bảo quản rất ngắn, nên khó đi xa. Về chất lượng, con tôm tươi khi ướp sẽ căng đẹp, còn nếu tôm ươn thì bị xẹp.

Hiệp hội Tôm chua Huế hoạt động rệu rã, nhãn hiệu tập thể nhưng mạnh ai nấy làm - Ảnh 2
Năm 2015, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 120 cơ sở chuyên sản xuất tôm chua, hơn 500 cơ sở chế biến thủy hải sản dạng mắm, trong đó có tôm chua. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đã xuất bán sang một số nước như Lào, Thái Lan, Pháp qua hội chợ, triển lãm, xách tay.

Nhằm nâng cao uy tín và đảm bảo quy trình chế biến, Hiệp hội đã sớm thành lập ban quản lý chất lượng sản phẩm tôm chua và đặt ra các điều kiện đảm bảo cho phép dán nhãn hiệu “Tôm chua Huế” song hoạt động gặp nhiều vướng mắc.

Bà Công Huyền Tôn Nữ Thu Hương, Chủ cơ sở sản xuất Tôm chua Trọng Tín cho biết: “Cơ sở chúng tôi có tham gia vào Hiệp hội Tôm chua Huế, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Chúng tôi chỉ tham gia một hai lần họp và hội nghị. Bây giờ thấy có hoạt động gì nữa đâu. Nhãn hiệu tập thể nhưng nhà ai biết nhà người ấy”.

Khó khăn trong quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể

Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm Chua Huế Trần Cao Phúc, Hiệp hội ban đầu hoạt động tương đối hăng hái, cũng có họp định kỳ, có báo cáo, hội nghị … Tuy nhiên 2 năm trở lại đây do dịch bệnh nên hoạt động gián đoạn.

Lý giải về sự “rệu rã” này, ông Phúc thẳng thắn: “Thành viên muốn tham gia hoạt động phải tốn tiền xăng xe, mất thời gian. Trước đây mỗi khi có dự án, họ có chi phí hỗ trợ nhưng giờ không còn, nên họ không mặn mà. Hiệp hội có 35 thành viên mà tưởng như không còn thành viên nào”.

Theo ý ông Phúc, “không còn thành viên nào” ở đây là thành viên không tham gia vào hoạt động của Hội, kêu gọi đi họp rất khó.

 Nhiều cơ sở sản xuất chưa trở thành thành viên của Hiệp hội Tôm chua Huế.

 Nhiều cơ sở sản xuất chưa trở thành thành viên của Hiệp hội Tôm chua Huế.

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn khác dẫn tới khai thác nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế chưa hiệu quả như: Việc sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ khiến sức cạnh tranh và định hướng xuất khẩu chưa cao. Nhiều ứng dụng về cải tiến công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất chưa được quan tâm. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác quản lý, cũng như khai thác cho hiệu quả nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế.

Ông Phúc tỏ ra rất trăn trở: “Tôi nói Tôm chua Huế khó có thể xuất ngoại tốt được. Nếu cứ làm thủ công mới ngon, với cách ủ ướp truyền thống thì Tôm chua Huế có hạn sử dụng ngắn ngày. Nếu ủ ướp mặn quá sẽ dở, không còn đúng quy chuẩn đã đưa ra”.

Sau khi được bảo hộ, thị trường tiêu thụ của sản phẩm Tôm chua Huế chưa được ổn định, chủ yếu bán trong các chợ truyền thống, các siêu thị của tỉnh và bán lẻ, hoặc bán qua quen biết giới thiệu sản phẩm.

Trong khi đó, trên thị trường nhiều sản phẩm tôm chua giả mạo, làm nhái nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế với những thủ đoạn công nghệ tinh vi khó để phát hiện. Những sản phẩm hàm lượng tôm trong thành phẩm thấp, sản phẩm quá mặn hoặc quá chua, mất vệ sinh. Một số cơ sở đã lạm dụng phụ gia như phẩm màu và chất bảo quản vượt giới hạn cho phép, có xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng.

 Tôm chua Huế phát triển thương hiệu chủ yếu vẫn đang quảng bá qua truyền miệng.

 Tôm chua Huế phát triển thương hiệu chủ yếu vẫn đang quảng bá qua truyền miệng.

Qua nghiên cứu về vấn đề khai thác hiệu quả sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tập thể, ông Nguyễn Văn Công Định, Trường Đại học học Luật – Đại học Huế chia sẻ: “Hầu hết các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế đều chưa tổ chức in và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng QR code”.

Theo quy định, nhãn hiệu tập thể “Tôm chua Huế” được giao cho Hiệp hội Tôm chua Huế chủ trì quản lý. Thế nhưng, Hiệp hội không có quyền xử lý hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm, chưa có kinh phí hoạt động và mua sắm phương tiện kiểm nghiệm tại chỗ.

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: "100% các cơ sở có đăng ký giấy phép kinh doanh tôm chua có công bố hợp quy chuẩn theo quy định."

“Thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa nhận được quyền lợi tương xứng khi tham gia. Giá cả giữa tôm chua sử dụng nhãn hiệu tập thể và không sử dụng nhãn hiệu tập thể không chênh lệch nhiều, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh”, ông Công Định nói thêm.

Bên cạnh đó, sự hợp tác thiếu tính liên kết đồng bộ trong sản xuất kinh doanh, không theo quy trình Hiệp hội đề ra cũng dẫn tới chất lượng sản phẩm tôm chua mỗi cơ sở sản xuất khác nhau.

Nhằm tập trung xây dựng chiến lược phát triển thị trường, Tôm chua Huế được UBND định hướng sẽ tăng cường thâm nhập sâu, giữ vững thị trường hiện có và phát triển mở rộng các thị trường mới, đặc biệt là thị trường trong nước, nghiên cứu mở rộng thị trường nước ngoài để tăng sản lượng xuất khẩu - kinh doanh có hiệu quả.

“Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ, quy chuẩn cho các hội viên Hiệp hội Tôm chua Huế. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia triển lãm tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo lớn trong và ngoài tỉnh để quảng bá Tôm chua Huế”, bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

 

Bảo Hòa

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục