Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo do công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho biết, các ngân hàng trên toàn thế giới đã nộp 321 tỷ USD tiền phạt kể từ khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 khi các nhà quản lý tăng cường hoạt động giám sát.
Các ngân hàng phải nộp phạt 321 tỷ USD trong gần 10 năm. Ảnh minh họa
Chỉ riêng năm 2016, các ngân hàng đã phải nộp phạt 42 tỷ USD, tăng 68% so với năm trước. Tổng số tiền phạt các ngân hàng vi phạm có thể tăng trong các năm tới khi nhà chức trách châu Âu và châu Á siết chặt các quy định giống như Mỹ đang làm.
Theo BCG, gần 10 năm kể từ khủng hoảng tài chính, ngành ngân hàng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Các ngân hàng Bắc Mỹ chiếm gần 63% tổng số tiền phạt, tương đương khoảng 204 tỷ USD giai đoạn 2009 đến 2016.
Trong khi các nhà quản lý Mỹ hoạt động hiệu quả hơn khi áp dụng các hình phạt và thu tiền từ các ngân hàng, những người đồng cấp tại châu Âu và châu Á của họ có thể đang tăng tốc, theo báo cáo của BCG.
Vào năm 2015, tổng lợi nhuận của các công ty tài chính và ngân hàng trên toàn cầu đạt 159 tỷ Euro, tương đương 167 tỷ USD, đánh dấu năm tăng thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, tính chung từ năm 2009-2015, ngành này vẫn lỗ 9 tỷ Euro.
“Khi các quy chế giám sát dựa trên hành vi được tăng cường, các khoản phạt cùng với chi phí pháp lý sẽ tiếp tục là một chi phí kinh doanh. Quản lý những chi phí này sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ đè nặng các ngân hàng”, báo cáo của BCG viết.
Theo báo cáo này, kỷ nguyên của các quy chế giám sát gia tăng vẫn sẽ tiếp diễn, bất chấp lời hứa của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về nới lỏng đạo luật giám sát tài chính Dodd-Frank 2010 vốn giữ vai trò định hình lại ngành ngân hàng Mỹ sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.
Số thay đổi quy chế mà các ngân hàng trên thế giới phải theo dõi hàng ngày đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2011, lên trung bình 200 thay đổi mỗi ngày hiện nay.
Trâm Anh