Phối cảnh Dự án Khu đô thị sinh thái EcoRivers.
Triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật
Dự án Ecorivers được triển khai lần đầu tiên từ năm 2008 bởi liên danh Cty CP Đại An và Cty CP Đầu tư xây dựng HUD3. Tuy nhiên, đến năm 2014, hai đơn vị trên xin không thực hiện đầu tư dự án với lý do vướng mắc về mặt bằng.
Từ năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần họp bàn và khởi động lại dự án với cách làm chặt chẽ, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để “làm thật”, tránh tình trạng đầu cơ đất, phân lô bán nền.
Địa phương xác định phải xây dựng một khu đô thị sinh thái hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, đầy đủ tiện ích với cảnh quan; một khu đô thị đáng sống để dẫn dắt thị trường bất động sản Hải Dương.
Vì thế, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có nội dung khá chặt chẽ về năng lực triển khai khu đô thị sinh thái. Quyết định số 4185/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh quy định rất khắt khe các hạng mục của dự án: “Nhà đầu tư phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá, như: Đã và đang đầu tư ít nhất một dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương; bảo đảm các hạng mục công trình công cộng và cây xanh trồng trong khu đô thị; hệ thống xử lý nước thải đồng bộ; chuyển nhượng sau khi xây xong nhà thô; quản lý an ninh trật tự, vệ sinh công cộng...’’.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương và hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất, việc quy định tiêu chí này hoàn toàn theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm mục tiêu của dự án nhằm chấm dứt tình trạng phân lô bán nền, chỉ những người có nhu cầu ở thực sự mới bỏ tiền ra mua nhà trong dự án.
Việc xác định giá đất (được thực hiện vào thời điểm tháng 11/2017) cũng được thực hiện với nguyên tắc giá đất cụ thể làm cơ sở xác định phương án thu tiền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với giá đất trên thị trường, xác định giá đất từng lô theo phương pháp thặng dư kết hợp với phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp chiết trừ.
Tổng diện tích đất ở và đất thương mại dịch vụ trong khu đô thị được chia thành 1.590 lô. Theo chứng thư thẩm định giá, giá đất cao nhất hơn 23 triệu đồng/m2, bình quân hơn 11 triệu đồng/m2 chứ không phải 2 triệu đồng/m2 như có thông tin nêu.
Ngang nhiên quấy rối ngay trong phiên đấu giá
Tính đến ngày 15/3/2018, có 3 đơn vị đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá và trả giá. Theo thông tin phản ánh, cũng trong ngày 15/3/2018, ông Nguyễn Văn Viễn (là người của Tổng Cty MBLand - PV), đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá, thì bị một người đàn ông tên Khanh túm cổ áo ngay trong phòng của Giám đốc trung tâm đấu giá và trước mặt các thành viên Hội đồng đấu giá. Ngay sau đó, dù đã nộp được hồ sơ nhưng ông Viễn đã có đơn khiếu nại tố cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và Công an tỉnh Hải Dương phản ánh sự việc.
Tuy nhiên, theo clip mà cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lưu giữ thì khi ông Viễn khi đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá đã gây ra cãi cọ, xô xát mang tính chủ động gây rối, được sự tiếp tay của một số đối tượng lạ mặt xăm trổ, ăn nói bặm trợn. Có đối tượng còn đuổi đánh ông Khanh, người tham gia nộp hồ sơ tại cuộc đấu giá.
Ngày 4/4 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã công bố kết quả đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Cty CP Ecopark Hải Dương với giá 805 tỷ đồng. Tổng Cty MBLand dù trả giá 1.100 tỷ đồng nhưng lại không nộp hồ sơ đấu giá và trước đó có đơn xin rút không tham gia đấu giá nên đã bị loại.
Thế nhưng điều lạ lùng là ngay sau khi tỉnh Hải Dương công bố đơn vị trúng đấu giá, nhóm ông Nguyễn Văn Viễn và một số cá nhân bất ngờ có ý kiến phản ảnh, kêu cứu gửi cơ quan chức năng.
Họ còn cho rằng mình là “doanh nghiệp tham gia đấu giá bị xử ép”. Lạ lùng hơn, trong nhóm người trên còn có một người đàn ông tên K., hiện là công chức đang công tác tại một Sở ở Hải Dương.
Là doanh nghiệp tham gia đấu giá hay là một đường dây “cò” có tổ chức?
Kịch bản kêu cứu của nhóm người trên đã tạo được sự chú ý của công luận và cơ quan chức năng. Nhưng điều khá bất ngờ là khi đi sâu tìm hiểu, phóng viên được biết nhóm người trên hầu hết là những đối tượng không phải đại diện cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực và nhu cầu tham gia đấu giá.
Bằng chứng là liên tục trong hai ngày 14/3 Tổng Cty MBLand đã liền lúc ký hai giấy giới thiệu có tên ông Trần Hải Minh - Trưởng Phòng Thẩm định, Tổng Cty MBLand đến mua hồ sơ.
Ngày 15/3, ông Nguyễn Văn Viễn xuống nộp phiếu trả giá nhưng không giao, nhận hồ sơ tham gia đấu giá và hồ sơ năng lực nhà thầu nhưng cũng mang theo có giấy giới thiệu (không ghi số) của Tổng Cty MBLand và trong giấy cũng ghi là Trưởng Phòng Thẩm định.
Như vậy, trên thực tế, MB Land không thể có tới hai trưởng phòng thẩm định. Việc ghi giấy giới thiệu này là hết sức tùy tiện, sai quy định.
MB Land ký giấy giới thiệu cho cả người ngoài đơn vị để tham gia đấu giá.
Về nhân thân ông Nguyễn Văn Viễn, ngay trong cách trả lời của ông Vũ Thành Huế - Tổng Giám đốc MB Land và một vị đại diện khác của MB Land đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn.
Trong khi ông Nguyễn Việt Phương - Trợ lý Tổng Giám đốc MB Land cho biết ông Viễn là nhân viên Phòng Thẩm định, không phải trưởng phòng nhưng ông này lại không có tên trong hồ sơ đóng bảo hiểm của đơn vị.
Đó là chưa kể trả lời báo chí qua điện thoại chiều 3/5/2018, ông Vũ Thành Huế còn khẳng định ông Viễn không phải là người của MB Land… Trong khi trước đó, trao đổi qua điện thoại với Báo Hải Dương, ông Vũ Thành Huế từ chối cung cấp thông tin liên quan đến ông Viễn.
Vì sao MB Land tham dự đấu giá nhưng chỉ trả giá mà không nộp hồ sơ? Tại sao ông Vũ Thành Huế tiền hậu bất nhất khi cung cấp thông tin về ông Nguyễn Văn Viễn? Vì sao ông Huế là sỹ quan quân đội, chỉ huy doanh nghiệp nhưng lại cho phép ký giấy giới thiệu cho người không phải của đơn vị mình tham gia đấu giá với nhiều hành vi lộn xộn? Mối quan hệ giữa Trung tá Vũ Thành Huế và các đối tượng cò đấu giá này như thế nào? MB Land có liên quan gì trong việc để các đối tượng lợi dụng, việc phản ánh thông tin lên tận phó Thủ tướng Chính phủ là chủ trương của MB Land hay do đám “cò” đạo diễn?
Đây là những vấn đề rất cần được ông Vũ Thành Huế có ý kiến chính thức làm rõ trước công luận. Đồng thời cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm, nhằm chấm dứt tình trạng “cò đấu giá” cản trở, thao túng các dự án, gây sức ép với các nhà đầu tư để tư lợi.
Ngoài ra, về người đàn ông tên K được dư luận nhắc đến trong vụ việc này, trả lời phóng viên, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương đã xác nhận ông K hiện là cán bộ đang công tác tại Sở nhưng ông Hải cho biết, chưa từng nghe thông tin ông này tham gia vào đường dây cò đấu giá.
Nguồn: Phố Hiến/Báo XD