Đầu tháng 2/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí…tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, đồng thời buộc phải di dời, tháo dỡ các nhà nổi, du thuyền, cầu dẫn...trước ngày 10/3.
Hà Nội sẽ cưỡng chế di dời các nhà nổi ở Hồ Tây sau 10/3. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã tiến hành tháo dỡ, di dời các phương tiện thuỷ nội địa, phương tiện nổi tạm thời về khu vực tập kết Đầm Bẩy, phường Nhật Tân (gần công viên Hồ Tây); một số đang tiếp tục di dời.
Sau ngày 10/3, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Công an quận sẽ phối hợp với Thanh tra GTVT, Công an TP Hà Nội kiên quyết xử lý các trường hợp chống đối, gây rối nếu có.
Theo thống kê, quận Tây Hồ hiện có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng với: 8 tàu du lịch, một tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).
Các tàu thống nhất tuân thủ chấp hành chủ trương của thành phố nhưng mong muốn chính quyền xem xét việc đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc xem xét đền bù con Tàu, đại diện các doanh nghiệp xin kiến nghị chính quyền xem xét các cầu tàu, cầu dẫn khung thép, nhà chờ tàu, sàn cứng kết cấu khung thép được đi cùng với con Tàu để di chuyển sang vị trí tập kết mới.
Về kiến nghị này, lãnh đạo phường Thụy Khuê cho rằng, đây là xử lý vi phạm chứ không phải giải phóng mặt bằng nên sẽ không có chuyện bồi thường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Ban quản lý hồ Tây cho biết, kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành đối với giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của tất cả các công trình từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi đều hết hạn, giấy đăng kiểm của một số phương tiện cũng hết hạn từ lâu.
Mai Anh (TH theo Vietnamplus, Tiền phong)