Giải mã thực phẩm chức năng bị phạt vẫn liên tục vi phạm

Thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, tính từ cuối tháng 4/2018 đến nay, Cục đã xử phạt 12 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, với tổng số tiền 475 triệu đồng. Đặc biệt, có những cơ sở, liên tục bị phạt nhưng khi kiểm tra, vẫn vi phạm. Lý do liên tục vi phạm là gì?

Cục An toàn Thực phẩm (ATTP) đưa ra danh sách các doanh nghiệp bị xử phạt ngày 6/6 có 10 đơn vị trên địa bàn Hà Nội và 2 đơn vị ở TP.HCM. Đáng chú ý là Công ty CP phát triển Thảo dược Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại STS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Tâm…

Giải mã thực phẩm chức năng bị phạt vẫn liên tục vi phạm - Ảnh 1
Sản phẩm này của Thảo dược Việt Nam đã từng bị phạt vì quảng cáo sai nội dung. Ảnh internet.
Đại diện Cục ATTP thông tin, các doanh nghiệp đều vi phạm quảng cáo không đúng nội dung hoặc quảng cáo khi không được cơ quan chức năng cho phép. Ngoài phạt tiền, Cục ATTP còn buộc các cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Trong số 10 doanh nghiệp bị xử phạt, đáng chú ý là Công ty CP phát triển Thảo dược Việt Nam (địa chỉ tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Công ty này bị phạt 100 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, đồng thời quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân…
Giải mã thực phẩm chức năng bị phạt vẫn liên tục vi phạm - Ảnh 2
Thảo dược Việt Nam đã từng bị phạt trước đó. Ảnh N.H.
Trước đó, tháng 11/2017, Công ty CP phát triển Thảo dược Việt Nam đã từng bị xử phạt 85 triệu đồng, cũng do vi phạm các lỗi như trên.

Vì sao, lần kiểm tra năm nay, Công ty CP phát triển Thảo dược Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm lỗi giống như cũ?

Hai doanh nghiệp khác bị xử phạt ở mức 50 triệu đồng là công ty TNHH Đầu tư Thương mại STS Việt Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với lỗi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường vương thượng bổ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Giải mã thực phẩm chức năng bị phạt vẫn liên tục vi phạm - Ảnh 3
Trường vương thượng bổ bị phạt vì quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Ảnh internet.

Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Tâm, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Truekidz ăn ngủ ngon.

Doanh nghiệp khác bị xử phạt mức 35 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung gồm: Công ty cổ phần Thọ Xuân Đường, phố Vôi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội, do quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ANTI-U100 và thực phẩm bảo vệ sức khỏe XADOGA1; công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hòa Bình, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nước uống Collagen Edally; công ty CP Dược phẩm Quốc tế Á Châu, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hepab extra và thực phẩm chức năng US-CYSTS; công ty TNHH Mộc Hoa Đường, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: An Phế Khang, Vương Lực Khang, Navi Xoan, Liver Rolex, Ăn ngon ngủ ngon MH và Dạ dày Mộc Hoa.

Tại TP.HCM, Công ty TNHH thương mại điện tử Lotte Việt Nam ở quận 7 quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Arginine…bị phạt 35 triệu đồng...

Khi PV hỏi, anh Nguyễn Hòa, đã từng là thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành ở Hà Nội xác nhận: “Lợi nhuận từ bán thực phẩm chức năng nhập nhèm là thuốc chữa bệnh rất lớn. Chính vì thế mà có nhiều doanh nghiệp họ chấp nhận chịu phạt vi phạm tiền để bán hàng. Có người bán hàng họ sẵn sàng "gây chiến" với người đến kiểm tra để tìm cơ hội phản đòn..."

Giải quyết tình trạng trên như thế nào? Theo vị này, chỉ khi người trong cuộc, tức người mua sản phẩm quảng cáo không đúng đó kiện hoặc người bị sử dụng hình ảnh đó kiện thì may ra tình trạng quảng cáo sai nội dung mới được giải quyết về bản chất.

Hiện nay, các hình thức bán hàng của thực phẩm chức năng rất đa dạng. Người dùng thì đúng nghĩa là “tôi có tiền, thích thì mua” chứ không phải là người tiêu dùng thông thái. Họ tin vào quảng cáo hơn là những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Vì thế mới có chuyện, “tiền mất, tật mang” và người dùng phải im lặng chấp nhận, không hề “làm gì” được nơi bán sản phẩm.

Nguồn: Thoidai

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục