Nhận định trên xuất hiện ở Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018 được tổ chức ngày 19/6, tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 4 tháng đầu năm 2018 cả nước có 41.295 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 412.000 tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161.000 tỷ đồng.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh VGP.
Trung bình 10 DN thành lập thì 6 DN giải thể
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các DN vẫn đang đối mặt với rào cản từ các thủ tục hành chính.
“Thủ tục xuất nhập khẩu của các nước tính bằng giờ thì Việt Nam tính bằng ngày. Thời gian nộp thuế trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN chỉ khoảng hơn 100 giờ mỗi năm. Trong khi Việt Nam hiện nay vẫn hơn 500 giờ”, ông Tuấn so sánh.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, việc DN thành lập rồi lại ra khỏi thị trường là quy luật chung nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ này luôn ở mức cao tại Việt Nam. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, cứ 10 DN gia nhập thị trường thì có ít nhất 6 DN giải thể, phá sản.
“Việc họ kinh doanh không thành công và rời bỏ thị trường là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần tìm hiểu xem có bao nhiêu DN vì gặp phải rào cản, khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính dẫn đến giải thể”, theo ông Tuấn, điều này chúng ta chưa làm được.
Ông Đậu Anh Tuấn phân tích: Nghị quyết 19/2017 đặt ra mục tiêu "tham vọng" là các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình ASEAN 4, Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi môi trường kinh doanh được cải thiện 14 bậc trong đánh giá của thế giới. Tuy nhiên vẫn xếp thứ 5 chưa vào top đứng đầu ASEAN.
"Ở phương diện nào đó Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới. Cần các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để họ bước vào thị trường thuận lợi hơn thì Việt Nam vẫn chưa làm được", ông Tuấn nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI. Ảnh Dân Trí.
Ông này cho rằng, trong khởi sự kinh doanh, còn có nhiều thủ tục rườm rà liên quan đến con dấu, mở tài khoản, mua hóa đơn... Để thuận lợi cho DN, cải cách của Chính phủ cần tiếp cận theo hướng đa ngành, bãi bỏ mạnh mẽ các thủ tục gây thiệt hại cho DN.
"Tôi tham gia hội nghị ở Luông Pha Băng (Lào), đại biểu Singapore trình bày ấn tượng về khởi sự kinh doanh của nước này, tại đó DN không cần biết đến cơ quan nào cấp phép cả, tất cả đều thực hiện qua mạng theo luật lệ chung", ông Tuấn nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Còn tại Việt Nam hiện nay, ngay cả đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp phép, khai thuế... cũng đang nửa vời. Một số thủ tục thì phải gặp gỡ công chức nhà nước, tòa án, thẩm phán mới thu nhập được thông tin. Tỷ lệ DN Việt làm ăn có lãi còn thấp, tỷ trọng DN trong nước đóng góp vào xuất khẩu đang giảm".
Cải cách tạo yếu tố thúc đẩy chứ không phải xóa bỏ rào cản
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Những chủ trương mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN là một điểm mạnh của Việt Nam khi cam kết chính trị đã có ở mức cao nhất-yếu tố tiên quyết bảo đảm cho cải cách thành công. Đồng thời, các giải pháp thể hiện các Nghị quyết và chương trình hành động cũng rất toàn diện, đầy đủ và cụ thể”.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc cải cách “thành hay bại” vẫn là chuyện cần bàn.
Ông Phan Đức Hiếu nêu, cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với 3 vấn đề mà nếu không giải quyết được sẽ rất khó tạo nên sự thay đổi căn bản. Trong đó, thời gian thực hiện cải cách là một thách thức rất lớn.
“Tháng 8/2017, tại Nghị quyết 98, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ từ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh đang quản lý. Nhưng đến tháng 1/2018, mới chỉ có Bộ Công Thương hoàn thành lần thứ nhất việc này bằng việc ban hành Nghị định 8/2018/NĐ-CP. Tháng 6/2018, gần 1 năm sau, các bộ mới vẫn chỉ trong quá trình rà soát, xây dựng phương án hoặc bộ nào đó đi nhanh hơn mới đang dự thảo phương án ở cấp Nghị định. Đó là chưa kể có những điều kiện kinh doanh còn nằm trong các luật, bao giờ mới có thể đạt được mục tiêu khi thời gian sửa luật phải mất đến hàng năm? ”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng: “Hiện chúng ta đang theo một lối mòn coi ‘cải cách’ là ‘xóa bỏ rào cản’ nhưng ở nhiều quốc gia, ‘cải cách’ là nhằm tạo ra các yếu tố thúc đẩy phát triển, không đơn thuần chỉ là dẹp bỏ rào cản cho DN”.
Cụ thể, việc cải cách môi trường kinh doanh mới đang tập trung ở hai việc: Xóa bỏ những gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, còn một loạt các yếu tố quan trọng liên quan mật thiết đến sự phát triển của DN như: Rủi ro pháp lý; sự an toàn trong kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ hay xây dựng chính sách cạnh tranh… thì vẫn chưa có chủ trương cụ thể, rõ nét.
Khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua, phải tạo động lực mới cho phát triển, ông Phan Đức Hiếu cho rằng “cải thiện” thôi là chưa đủ mà phải “đột phá”, đây cũng chính là một thách thức cho các nhà quản lý.
Nguồn: Thoidai