Giá cá tra nguyên liệu lao dốc, Hùng Vương tiếp tục lỗ 129 tỷ đồng trong quý III

Kết quả kinh doanh bết bát, tổng nợ đi vay ngân hàng của Hùng Vương hết quý III là 3.061 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với vốn chủ sở hữu và vốn lưu động âm 318 tỷ đồng tại ngày 30/6 là những dấu hiệu cảnh báo về tình hình tài chính của Công ty.

Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2018 – 2019 (1/10/2018 – 30/9/2019).

Giá cá tra nguyên liệu lao dốc, Hùng Vương tiếp tục lỗ 129 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh quý III của HVG (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III)

Hết quý III, Hùng Vương đạt 527 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 64% so với cùng kỳ niên độ trước do Công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì…).

Bên cạnh đó trong kỳ giá cá nguyên liệu giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg xuống 18.000 đồng/kg, kéo theo giá xuất khẩu giảm sâu khiến lợi nhuận gộp lao dốc. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty báo lỗ gộp tới 32 tỷ đồng trong quý III trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp là 61 tỷ đồng.

Các chi phí giảm so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp âm khiến Hùng Vương báo lỗ tới 129 tỷ đồng trong quý III trong khi năm trước lãi 14 tỷ đồng.

9 tháng niên độ 2018 – 2019, Công ty đạt 3.264 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 49% cùng với lợi nhuận sau thuế âm tới 257 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế của Công ty tại ngày 30/6 lên tới 650 tỷ đồng.

Giá cá tra nguyên liệu lao dốc, Hùng Vương tiếp tục lỗ 129 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III

Ba quý đầu niên độ doanh thu xuất khẩu và doanh thu nội địa của Hùng Vương giảm lần lượt tới 52% và 47% so với niên độ trước.

Đáng lưu ý, trong cơ cấu doanh thu nội địa thì doanh thu mảng thủy sản bất ngờ tăng đột biến gấp 2,16 lần lên hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó mảng thức ăn chăn nuôi giảm tới hơn 99% còn 20 tỷ đồng trong 9 tháng trong khi cùng kỳ mảng này mang lại hơn 2.270 tỷ đồng doanh thu do Công ty cắt giảm mảng thức ăn chăn nuôi sau thoái vốn.

Năm 2019, Hùng Vương đã mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh niên độ 2018 – 2019 là 4.400 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Tuy nhiên ba quý đầu năm Công ty thực hiện được 74% mục tiêu doanh thu nhưng còn quá xa vời mục tiêu có lãi năm nay.

Hết quý III, tổng tài sản của Hùng Vương là 8.833 tỷ đồng trong đó khoản phải thu ngắn hạn đã hơn 4.226 tỷ đồng chủ yếu là khách hàng trong nước cùng nước ngoài nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh chi tiết. Công ty đã phải trích tới 800 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.

Bên cạnh đó, tại ngày 30/6 hàng tồn kho của Công ty là hơn 1.915 tỷ đồng và đã trích 17 tỷ đồng dự phòng. Hàng tồn kho và khoản phải thu luôn là những hạng mục chiếm tỷ trọng lớn nhất của Hùng Vương trong nhiều năm qua.

Hùng Vương có khoản đầu tư gần 782 tỷ đồng vào 5 công ty liên kết và 1 liên doanh tuy nhiên doanh nghiệp đã phải ghi nhận lũy kế lỗ tới gần 124 tỷ đồng sau khi mua các đơn vị này.

Giá cá tra nguyên liệu lao dốc, Hùng Vương tiếp tục lỗ 129 tỷ đồng trong quý III - Ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III

Tổng nợ đi vay toàn bộ từ ngân hàng của Hùng Vương hết quý III là 3.061 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó Ngân hàng BIDV đang là chủ nợ lớn nhất với hơn 1.990 tỷ đồng. Đáng lưu ý, vốn lưu động của Công ty âm 318 tỷ đồng tại ngày 30/6.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục