FE Credit được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 7.328 tỷ đồng

Ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung về mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty tài chính TNHH Một thành viên VPBank (FE Credit).

FE Credit được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 7.328 tỷ đồng - Ảnh 1
Theo đó, Thống đốc chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ của FE Credit là 7.328 tỷ đồng, 100% vốn sở hữu của VPBank. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động của Fe Credit.

Quyết định nêu rõ, FE Credit có trách nhiệm thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với thay đổi mức vốn điều lệ đã được chấp thuận, đăng ký kinh doanh, công bố nội dung thay đổi và báo cáo việc thực hiện cho NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan.

Được biết, đây là lần tăng vốn thứ 2 liên tiếp của Fe Credit trong vòng 1 năm trở lại đây. Công ty tài chính này đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ từ 2.790 tỷ đồng lên 4.474 tỷ đồng vào tháng 11/2017.

Đến tháng 1/2018, FE Credit tiếp tục ký kết hợp đồng vay trị giá 50 triệu USD với Lion Asia I (RB) Limited (Lion Asia) để mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, với các nhóm sản phẩm dịch vụ chủ đạo của FE Credit hiện nay là vay tiền mặt, vay mua xe máy trả góp, vay mua hàng điện máy gia dụng trả góp, thẻ tín dụng.

Mặc dù mới đi vào hoạt động 4 năm nay, nhưng hoạt động cho vay tiêu dùng của Fe Credit thường được giới đầu tư ví như “gà đẻ Trứng vàng” của VPBank khi mang về cho Ngân hàng này khoản lợi nhuận lên đến cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.

FE Credit được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 7.328 tỷ đồng - Ảnh 2

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, FE Credit khiến nhiều người bất ngờ khi 6 tháng đầu năm nay chỉ mang về chưa đầy 40% lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Trong khi đó, những năm gần đây, tỷ lệ này của Fe Credit thường chiếm trên 50%, đồng thời con số này cũng thấp hơn so với tỷ trọng mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, kết thúc nửa đầu năm 2018, tổng thu nhập hoạt động nhà băng này ghi nhận 14.510 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.4375 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bà Lưu Thị Thảo - Phó tổng giám đốc thường trực VPBank cho biết, trong số này, Fe Credit chỉ đóng góp tỷ lệ 36%, tương đương khoảng 1.575 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất của VPBank.

Theo ông Kalidas Ghose - Tổng Giám đốc FE Credit cho biết, kết quả kinh doanh của Công ty trong nửa đầu năm nay chậm hơn so với các năm trước với mức tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất. 

Giải thích về điều này, ông Kalidas cho rằng nguyên nhân chính của sự sụt giảm về lợi nhuận xuất phát từ việc chấn chỉnh hoạt động của Công ty đi theo hướng chất lượng. 

Cụ thể, FE Credit đã gặp phải một số phàn nàn của khách hàng về sự thiếu công bằng trong công tác thu hồi nợ. Theo đó, khách hàng khi vay thì cung cấp số điện thoại họ dùng nhưng sau đó lại bỏ số điện thoại đó khiến cho công ty đòi nợ nhầm người và gặp khó khăn. Sau khi phát hiện vấn đề, công ty đã điều chỉnh một số tiêu chí hoạt động cho phù hợp với thị trường.

Bên cạnh đó, tại Công ty tài chính này cũng tồn tại việc một số khách hàng vẫn bị nhắc nợ sau khi đã trả nợ có liên quan đến thái độ của người thu hồi nợ. Ông cho biết, sau khi phát hiện vấn đề này, công ty đã đưa ra bộ tiêu chuẩn yêu cầu với cán bộ rất tinh tế. Bên cạnh đó, công ty cũng có nền tảng thông tin tốt để đưa vào hoạt động thu hồi nợ.

Ngoài ra, vị Tổng Giám đốc FE Credit cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của công ty tài chính này không được như mong muốn còn do một vấn đề khác là đội ngũ thu hồi nợ thiếu hụt. "Giai đoạn đầu năm 2018 chúng tôi bị mất nhân sự thu hồi nợ, nhiều công ty đối thủ của FE Credit đã kéo đi số nhân sự này khiến số khoản nợ trên mỗi cán bộ thu hồi nợ của FE Credit tăng vọt", Tổng giám đốc FE Credit chia sẻ.

Không những thế, công suất thu hồi nợ của các cán bộ của Công ty cũng giảm sút mạnh. Nếu như thời điểm tháng 2/2018 số lượng khách trên mỗi cán bộ thu hồi nợ đạt 1.077 thì đến tháng 5 chỉ còn 888 khoản nợ/cán bộ.

Đây cũng là lý do khiến nợ xấu của FE Credit tăng lên so với cuối năm 2017. Theo số liệu đến cuối quý II/2018, tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính đạt khoảng 6,5%, khiến tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank vượt 4%. Tuy nhiên, điểm tích cực với FE Credit là tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) chỉ ở khoảng 5% và tỷ lệ khách hàng tăng thêm vẫn được duy trì ở tốc độ cao.

Theo Tổng giám đốc FE Credit, công ty này đặt mục tiêu có 4,9 triệu hợp đồng mới trong năm 2018, so với con số 3,7 triệu hợp đồng năm 2017. Lợi nhuận dự kiến của FE Credit đến cuối năm đạt khoảng 4.800 tỷ đồng với số lượng khách hàng tăng 33% so với năm trước.

Mặc dù 6 tháng đầu năm FE Credit mới chỉ hoàn thành chưa đến 1/3 kế hoạch nhưng ông Kalidas khẳng định thời gian tới Công ty sẽ có những thay đổi phù hợp và vẫn giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận 4.800 tỷ đồng cho năm nay.

 

Ánh Phượng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục