Economist: Việt Nam là “con hổ” châu Á tiếp theo

(Kinhdoanhnet) - Tạp chí kinh tế The Economist (Anh) đánh giá, 25 năm qua Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng trên đầu người cao nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Economist đặt câu hỏi: Quốc gia châu Á nào đã mạnh mẽ tiến lên phía trước trong suốt 25 năm qua với hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo? Nền kinh tế châu Á nào – dù vẫn có phần lớn dân số sống ở vùng nông thôn – sẽ là động lực phát triển tiếp theo của châu lục?

Phần lớn mọi người sẽ trả lời là Trung Quốc cho câu hỏi đầu tiên, và Ấn Độ cho câu tiếp theo. Thế tức là họ đều bỏ qua một đất nước nổi bật cả về thành công trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Economist, đó chính là Việt Nam.

Economist: Việt Nam là “con hổ” châu Á tiếp theo - Ảnh 1
Theo Economist, Việt Nam đang là hình mẫu cho các nước muốn đặt chân lên bậc thang phát triển. Ảnh minh họa

Với dân số hơn 90 triệu người, kể từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người nhanh thứ hai thế giới – chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 7% trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có được con đường phát triển giống với các “con hổ châu Á” như Hàn Quốc và Đài Loan. Economist gọi đây là một thành tựu đối với Việt Nam – đất nước mới chỉ nổi lên từ những năm 1980, sau nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và khi đó chỉ nghèo như Ethiopia.

Không giống Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam không có lợi thế về quy mô, chính vì vậy kinh nghiệm từ quá trình phát triển của Việt Nam sẽ có nhiều giá trị với nhóm nước đang phát triển trên thế giới. 

Kể từ những năm 1990, Việt Nam có bước tiến lớn trong việc đơn giản hóa các quy tắc điều hoạt động thương mại quốc tế. Hiện xuất nhập khẩu chiếm gần 150% GDP, cao hơn bất cứ quốc gia nào có mức thu nhập tương tự Việt Nam.

Ngoài mở cửa, Việt Nam còn áp dụng chính sách linh hoạt. Chính phủ đã khuyến khích cạnh tranh giữa 63 tỉnh thành. TP HCM đi đầu với các khu công nghiệp, Đà Nẵng có các khu công nghệ cao và miền Bắc đang thu hút các hãng sản xuất khi họ rời Trung Quốc. Kết quả là Việt Nam trở thành một nền kinh tế đa dạng có thể chống chịu các cú sốc, trong đó có đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011.

Hiện đang là một nước có thu nhập trung bình, con đường mà Việt Nam phải đi để vươn tới mức thu nhập cao chứa đầy những chông gai. Tuy nhiên, quãng đường phát triển trong 25 năm vừa qua cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội ở phía trước. 

Economist kết luận, Việt Nam là một mô hình đáng học hỏi cho các quốc gia muốn có một chân trên bậc thang phát triển của kinh tế thế giới. Nếu may mắn, Việt Nam còn có thể là tấm gương cho các quốc gia muốn tiến lên.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục