Tiền gửi USD liên tục giảm
Mặt bằng lãi suất huy động VNĐ hiện đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, nhưng trần lãi suất huy động ngoại tệ đối với khách hàng cá nhân chỉ có 1%/năm được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn (với doanh nghiệp lãi suất chỉ còn 0,25%).
Tuy nhiên, điều đáng nói là xu hướng tỷ giá ổn định và kéo dài thời gian qua cũng như NHNN thông báo tiếp tục kiểm soát linh hoạt và không tăng quá 2% trong thời gian tới đã khiến ngoại tệ mất dần tính hấp dẫn. Từ đó nhu cầu nắm giữ ngoại tệ của người dân sụt giảm mạnh.
Cụ thể, huy động vốn của toàn ngành đến ngày 22-4 tăng 3,09% so với đầu năm 2014, nhưng trong đó huy động vốn bằng VNĐ tăng 4,26%, còn huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%. Huy động vốn bằng VNĐ tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 7,48%) trong điều kiện mặt bằng lãi suất tiền gửi VNĐ giảm, cho thấy gửi tiền vào hệ thống NH vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân và niềm tin vào tiền đồng.
Chính việc người dân thôi nắm giữ USD đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định, kể cả với thị trường “chợ đen”. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong 4 tháng đầu năm nay diễn biến của thị trường ngoại tệ tiếp tục ổn định, tuy có thời điểm tỷ giá biến động tăng nhẹ do yếu tố tâm lý, nhưng không đột biến.
Tỷ giá niêm yết của các NHTM vẫn ở mức thấp hơn biên độ quy định của NHNN. Tỷ giá trên thị trường tự do xoay quanh tỷ giá niêm yết của các NHTM, giảm hẳn tình trạng đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, không còn xảy ra những cơn sốt USD. Cũng theo ông Lâm, cung ngoại tệ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong quý I-2014, doanh số mua ngoại tệ lũy kế từ các tổ chức kinh tế và cá nhân của các NHTM đạt 10.131 triệu USD, bằng 30,27% so với cả năm 2013; doanh số bán ngoại tệ đạt 8.735 triệu USD, bằng 22,59% so với cả năm 2013. Bên cạnh, trật tự thị trường vàng được đảm bảo, góp phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, quy mô dự trữ ngoại hối tăng, trong đó kiều hối của Việt Nam tăng trưởng ổn định hàng năm khoảng 11 tỷ USD.
Tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu tăng
Trong khi vốn huy động bằng ngoại tệ giảm thì tín dụng cho vay ra bằng USD 4 tháng đầu năm nay lại có dấu hiệu tăng. Số liệu từ NHNN TPHCM cho thấy, dư nợ tín dụng USD tăng trưởng nhanh hơn dư nợ bằng VNĐ. Tính đến cuối tháng 4-2014, dư nợ ngoại tệ của các NH trên địa bàn thành phố tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong khi dư nợ bằng VNĐ giảm 0,09%.
Xu hướng này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà cụ thể là doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn TPHCM có dư nợ cho vay 3 tháng đầu năm 2014 tăng 7,5%.
Đơn cử là dư nợ tín dụng xuất khẩu của ACB đạt 7.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, hay tại Vietcombank tỷ lệ tín dụng xuất khẩu cũng bắt đầu tăng trưởng tốt hơn... Sở dĩ, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn so với tiền đồng là do lãi suất cho vay ngoại tệ hiện rất thấp, lãi suất áp dụng đối với khoản vay ngoại tệ hiện chỉ khoảng 2-3%/năm.
Trong khi đó, với lãi suất cho vay tiền đồng dù đã được điều chỉnh giảm nhiều, nhưng vẫn 8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-12%/năm đối với trung, dài hạn. Mặt khác, hiện sản xuất, kinh doanh trong nước đang trì trệ do sức mua kém, so với doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ không phải dễ dàng đối với doanh nghiệp, cho dù chi phí lãi suất vay khá thấp. Trong giai đoạn 2008-2011, NHNN đã liên tục đưa ra những thay đổi về đối tượng được vay và quy định đối với tổ chức tín dụng cho vay bằng ngoại tệ.
Điển hình là các Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN, Thông tư 25/2009/TT-NHNN, Quyết định 750/QĐ-NHNN, Quyết định 74/QĐ-NHNN... Những động thái này cho thấy chủ trương NHNN tăng cường kiểm soát và hạn chế tín dụng ngoại tệ, chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ có thể vay vốn USD.
Mới đây, ngày 26/12/2013, NHNN ban hành Thông tư 32/2013/TT-NHNN, hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ phải chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp tiếp tục điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Cam kết ổn định giá trị đồng Việt Nam với mức biến động cả năm không quá 2% và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, cung cầu ngoại tệ. Chủ động điều hành ổn định tỷ giá bình quân liên NH và tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN để định hướng tỷ giá giao dịch của các TCTD và khuyến khích xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, ổn định tỷ giá không có nghĩa là neo tỷ giá trong một thời gian dài mà cần phải có sự linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu. Nhưng ông Lịch cũng cho rằng, với biên độ giao động của tỷ giá tăng không quá 2% năm nay là phù hợp.