Dự báo nhiều đại gia ngành bán lẻ tiếp tục gặp khó trong nửa đầu năm 2023

Mới đây nhiều ông lớn bán lẻ công bố doanh thu quý 4/2022. Chứng khoán Rồng Việt dự báo Thế giới di động, Petrosetco..nửa đầu năm 2023

Tại Báo cáo tài chính quý 4 của các doanh nghiệp bán lẻ vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra đánh giá về doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó, VDSC cho biết  suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ trong những tháng cuối cùng của năm 2022 do nhu cầu tiêu dùng kém, thu nhập khả dụng bị siết chặt.

MWG không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận do Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ.
MWG không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận do Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ.

Diễn biến tiêu cực này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm 2023. Điều này khiến môi trường kinh doanh trở nên đầy thách thức, người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu khi sức mua, thu nhập và giá trị tài sản của họ sụt giảm. 

VDSC dự báo thị trường bán lẻ sẽ dần nhộn nhịp trở lại vào nửa cuối năm 2023 và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024. Điều này có nghĩa là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có thể dần trở lại đường đua trong nửa cuối năm 2023. Để vượt khó trong năm 2022, nhiều công ty bán lẻ đã trải qua những thay đổi chiến lược quan trọng.  

Một số phải tạm dừng kế hoạch mở rộng để bảo toàn nguồn lực tài chính trước chính sách kinh tế thắt chặt, trong khi những công ty khác giảm biên lợi nhuận gộp để thúc đẩy doanh số bán hàng trong môi trường nhu cầu yếu. Sự bất ổn trong ngành đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng ngành trong một năm, gây áp lực lên giá cổ phiếu. 

Cụ thể, hai doanh nghiệp bán lẻ là Thế giới Di động (mã MWG - sàn HoSE) và Petrosetco (mã PET - sàn HoSE) cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh kém tich cực trong quý 4/2022. 

Trong quý 4/2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt hơn 4.835 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,74 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 25,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 89,58 tỷ đồng về 264,87 tỷ đồng. 

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý 4, Công ty ghi nhận lỗ 67,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 112,56 tỷ đồng, tức giảm 180,39 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác. 

Tổng cộng trong năm 2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 17.665,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 167,84 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, trong năm 2022, công ty đặt kế hoạch với doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 213,09 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà chỉ đạt 50,7%, thấp hơn rất nhiều kế hoạch kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành. 

Trong quý 4/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 619,02 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.101,7 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ. 

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Nhắc tới Thế giới Di động, nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm. Từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt, trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay. 

Một tên tuổi khác trong ngành bán lẻ là Tập đoàn Masan vừa công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý 4/2022 và năm tài chính 2022. Tổng cộng Masan đạt doanh thu thuần 76.189 tỷ đồng năm 2022. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp còn lại lãi ròng sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt gần 3.570 tỉ đồng, giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm trước.   

Đến ngày cuối năm 2022, doanh nghiệp này còn hơn 17.510 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Do lượng tiền mặt giảm, khoản nợ ròng cuối kỳ năm 2022 của doanh nghiệp cũng dâng lên 53.480 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Masan lý giải, số dư nợ tăng và lượng tiền mặt giảm là do chi phí vốn và mua cổ phần của Phúc Long (chuỗi đồ uống trà, cà phê), Nyobolt (công ty chế tạo pin ứng dụng Vonfram)… 

Về năm tài chính 2023, doanh nghiệp ước tính sẽ đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với năm trước. Trong đó The CrownX (vận hành Winmart, Winmart+, hàng tiêu dùng Masan...) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% tổng doanh thu. 

Tuy nhiên, trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, phía doanh nghiệp điều chỉnh ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng 10 - 15%.   

Bảo Anh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục