Đầu tư dự án khi chưa hình thành đặc khu kinh tế…
Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng là một trong những vùng đất có nguồn tài nguyên về nhiều lĩnh vực. Vân Đồn có vị trí đặc biệt quan trọng tại Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ đường bộ và đường biển của Trung Quốc với các nước ASEAN. Vùng đất này cũng nằm rất gần các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Quảng Đông, Hong Kong, Thâm Quyến… Chính vì những lợi thế này, trong những năm qua, Quảng Ninh đã kêu gọi, chào mời các doanh nghiệp có tâm, có tầm đầu tư vào địa bàn.
Những năm trước đây khi huyện Vân đồn vẫn còn là một huyện đảo hoang sơ chưa được khám phá, các hòn đảo tại Vân Đồn vẫn biệt lập tương đối so với những vùng đất xung quanh. Đường xá cũng hầu hết men theo biển và đường mòn dân sinh. Kinh tế Vân Đồn đến nay vẫn chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản và một phần rất nhỏ của du lịch.
Nhận lời mời kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, năm 2003, Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền đã mạnh dạn lập phương án, bỏ vốn đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Ao Tiên tại xã Hạ Long, một xã ven biển khó khăn cách trung tâm thị trấn Cái Rồng khoảng 5 km. Lúc này Vân Đồn vẫn chưa có khái niệm, thậm chí chưa hình thành khái niệm “Đặc khu kinh tế”. Dự án đã nhanh chóng được UBND tỉnh phê duyệt với quyết định số 4916/QĐ-UBND ngày 21/12/2004 của UBND tỉnh về việc giao đất với diện tích 88,1ha, thời điểm giao lần đầu năm 2005 để công ty có mặt bằng triển khai dự án.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân đến khu đất dự án, ông Tạ Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Vân Đồn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chia sẻ: Ngày đó, dù đã lập quy hoạch và được tỉnh phê duyệt, nhưng lúc đầu đến đây mọi thứ đều ngổn ngang khiến mình cũng “choáng”, không biết phải làm từ đâu, làm như thế nào? Tuy nhiên sức hút về cảnh đẹp hữu tình đã thôi thúc tôi phải nhanh chóng làm gì đó để đánh thức tiềm năng “trời cho” này.
Ông Tạ Đức Quyết (ngoài cùng bên trái) lăn lộn cùng công nhân trong những ngày đầu triển khai dự án.
Sau khi nhận đất, những năm tháng sau đó, tôi cùng với người thân trong gia đình đã cải tạo bãi biển, thuê thêm công nhân san gạt đất để đầu tư dần các hạng mục cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Cứ thế, khu đô thị mới Ao Tiên đã được hình thành như ngày hôm nay...”.
Cũng theo ông Quyết, cùng thời điểm đó những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư tại Vân Đồn và cũng được UBND tỉnh phê duyệt thì đến nay, hầu hết đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư do gặp phải quá nhiều khó khăn khi triển khai dự án, dẫn đến chậm tiến độ. Có thể nhắc đến một số dự án tầm cỡ đầu tư cùng thời điểm với dự án Ao Tiên nhưng đã bỏ cuộc hoặc bị thu hồi như: Dự án khu du lịch Bái Tử Long; dự án Khu du lịch sinh thái xã Ngọc Vừng; Khu đô thị - du lịch ven biển xã Đông Xá…
Nhiều “áp lực” khi dự án vào quy hoạch Khu kinh tế..
Sư kiện đánh dấu bước ngoặt chuyển mình của Vân Đồn diễn ra khi dự án khu đô thị mới Ao Tiên đã triển khai được gần 3 năm. Đó là ngày 26/7/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 120/2007/QD-TT về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh. Ngày 19/8/2009, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 1296/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn.
Đây là một quyết định làm thay đổi cục diện và làm thay da đổi thịt huyện đảo Vân Đồn. Đây cũng là một bước ngoặt đem lại lợi thế “vàng” cho các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn từ trước đó. Nhiều doanh nghiệp trước đây còn ngần ngại, nay cũng đua nhau lập dự án đầu tư kinh doanh BĐS tại Vân Đồn.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế, thì việc dự án nằm trong quy hoạch Đặc khu kinh tế cũng là một áp lực với nhiều doanh nghiệp, trong đó có Dự án khu đô thị mới Ao Tiên. Một trong số những áp lực đó chính là việc dư luận đặt tâm điểm vào lợi thế và giá trị sử dụng đất ở các dự án này thời điểm hiện tại.
Ông Quyết cho biết, doanh nghiệp ông đã phải đánh vật với hàng loạt các thủ tục hành chính phải thay đổi để phù hợp với chức năng đặc thù của Khu kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều đoàn thanh tra từ Bộ đến địa phương liên tục ghé thăm doanh nghiệp. Có những năm doanh nghiệp phải tiếp mấy đoàn Thanh tra cùng một nội dung, mặc dù các nội dung thanh tra đã được xác minh làm rõ. Nói vậy nhưng ông Quyết cũng vẫn vui vẻ cho rằng thanh tra vào cũng giúp cho doanh nghiệp được rà soát, kiểm tra chặt chẽ mọi hoạt động thì càng tốt hơn.
Không chỉ có Ao Tiên, nhiều doanh nghiệp khác cũng phản ánh tình trạng tương tự. Một doanh nghiệp xin được dấu tên cho biết, một mặt thì bị UBND tỉnh đôn đốc hối thúc tiến độ, mặt khác thì hàng chuc đoàn thanh tra của các ban nghành khác nhau ghé thăm trong một năm thì còn thời gian đâu mà đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Doanh nghiệp này cho biết, năm 2017, đơn vị đã tiếp 8 đoàn thanh tra tất cả, năm nay mới đầu năm đã lại có đoàn thanh tra của tỉnh tới làm việc…
Tầm nhìn tương lai…
Nhưng khó khăn rồi cũng đi qua. Dự án khu đô thị mới Ao Tiên hôm nay đã khoác lên mình bộ quần áo mới. Toàn bộ hạ tầng giao thông đường xá và xây dựng đã cơ bản hoàn thành. Hộ dân cuối cùng đã phấn khởi nhận nốt tiền đền bù GPMB bàn giao đất để Công ty hoàn thiện dự án.
Một góc dự án Khu đô thị mới Ao Tiên hiện tại
Ông Quyết cho biết: Chỉ từ giờ đến cuối năm 2018, dự án Khu đô thị mới Ao Tiên sẽ hoàn thành và đưa vào kinh doanh theo đúng tiến độ cam kết với UBND tỉnh. Ông Quyết cũng chia sẻ, các cơ quạn chức năng từ trung ương xuống địa phương và mọi người dân cần có cái nhìn đúng và chia sẻ với doanh nghiệp bởi những khó khăn và thực trạng đầu tư giai đoạn đầu.
Vân Đồn đang chuyển mình từng ngày để đón chờ được trở thành Đặc khu kinh tế. Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên cũng góp phần trong sự chuyển mình làm thay da đổi thịt vùng đất vốn bị coi là huyện đảo khó khăn này.
Giờ nghĩ lại, người đàn ông có hình dáng đậm đà và có cái tên khá quyết đoán, Tạ Đức Quyết, ông chủ của dự án Khu đô thị mới Ao Tiên vẫn đặt câu hỏi: Vào thời điểm đó, mình có mạo hiểm không khi bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư vào dự án khi Vân Đồn vẫn chỉ là một huyện đảo khó khăn chưa hình thành đặc khu kinh tế...?
Hữu Nam- Đức Trường